Mục đích chính trị phía sau thảm kịch MH17

(VOV5) - Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ đang khiến cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên kịch tính hơn bao giờ hết. Vốn là vấn đề của các cường quốc, tuy nhiên vụ tên lửa bắn hạ máy bay dân dụng có 298 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã đẩy cuộc khủng hoảng này đang lan nhanh ra phạm vi toàn cầu. Sự kiện MH17 đang tạo ra sự thay đổi cục diện quan trọng ở Ukraine.

 

Mục đích chính trị phía sau thảm kịch MH17 - ảnh 1
Malaysia Airlines liên tục thua lỗ trong những năm gần đây (Ảnh: Bloomberg)

Sốc, bàng hoàng, đau xót, phẫn nộ là những cung bậc cảm xúc của cộng đồng quốc tế khi chứng kiến thảm kịch máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ngày 17/7 khi đang bay qua không phận Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. 5 ngày đã trôi qua nhưng dường như mọi nỗ lực điều tra để vén màn sự thật đang tiến triển rất chậm, thậm chí gặp nhiều trở ngại. Thay vì hợp tác chặt chẽ với nhau, người ta lại đang chứng kiến màn đấu khẩu gay gắt của các bên liên quan.

 

Cuộc chiến thông tin chưa có đáp án

Trong khi phe ly khai miền Đông tuyên bố chính phủ Ukraine đã lên kế hoạch cho vụ tấn công thì Kiev cáo buộc phe ly khai phải chịu trách nhiệm. Mỹ và phương Tây cùng lúc “tấn công” Nga khi cho rằng Moscow đã có thể ngăn chặn được xung đột ở Ukraine nhưng không thực hiện. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm khi “bật đèn xanh” cho Kiev mở chiến dịch trấn áp phe ly khai miền Đông. Cùng với những lời cáo buộc, các bên còn liên tục tung ra những bằng chứng đổ lỗi cho nhau.

 

Nguồn tin an ninh Ukraine khẳng định phiến quân ủng hộ Nga ở miền Đông nước này đã nhận tên lửa BUK-M1 thuộc hệ thống tên lửa dẫn đường bằng radar SA-11 từ Nga, nhiều khả năng còn kèm theo cả một nhóm chuyên gia. Tình báo Ukraine khẳng định họ có trong tay băng ghi âm cuộc hội thoại của lực lượng ly khai với sỹ quan tình báo quân đội Nga, thậm chí cả bằng chứng về hệ thống bắn máy bay tinh vi do Nga sản xuất đang được phe ly khai sử dụng. Trong khi đó, tình báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hồ sơ dữ liệu hàng không của Nga cho thấy một máy bay tiêm kích Su-25 của Ukraine đã bay sát máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines trước khi chiếc Boeing 777 này gặp nạn. Tuy nhiên, tất cả những bằng chứng này cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng và dư luận vẫn đang chờ câu trả lời minh bạch từ một Ủy ban điều tra quốc tế.

 

Mục đích chính trị đằng sau thảm kịch MH17

Tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin ngày 21/7 rằng không ai được phép lợi dụng thảm họa MH17 để đạt được mục đích chính trị ích kỷ đang phản ánh rõ nhất cục diện chính trị tại Ukraine. Có thể thấy, đằng sau mỗi cáo buộc, mỗi lời tuyên bố đều là quan điểm, lập trường cứng rắn của các bên.

 

Hiện tại, theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng Ukraine rẽ theo hướng nào phụ thuộc vào kết luận điều tra cuối cùng vụ bắn hạ máy bay. Khả năng sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Thứ nhất, nếu đủ chứng cứ thuyết phục rằng chính quyền Ukraine là thủ phạm trong vụ MH17, Mỹ và phương Tây sẽ phải lựa chọn giải pháp lên tiếng chỉ trích lên án mạnh mẽ, thậm chí có thể yêu cầu trừng phạt ở cấp độ Liên hợp quốc đối với chính quyền Ukraine. Dù vẫn tiếp tục kêu gọi các bên thúc đẩy đàm phán, yêu cầu Nga không can thiệp ủng hộ lực lượng ly khai, song phản ứng và cách thức hỗ trợ chính quyền Kiev sẽ không mạnh mẽ so với trước đây. Còn nếu trường hợp kết luận điều tra cho thấy vụ bắn hạ máy bay thuộc trách nhiệm của lực lượng ly khai thân Nga thì chính quyền Kiev sẽ mở rộng các cuộc trấn áp ở miền Đông Ukraine. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại khu vực này khi giao tranh giữa hai bên leo thang, bất chấp việc cần tôn trọng nguyên trạng hiện trường phục vụ cho công tác điều tra.

 

Cục diện chính trị thế giới sau thảm kịch MH17

Nhưng cho dù theo kịch bản nào đi nữa thì chắc chắn cục diện chính trường Ukraine có sự thay đổi lớn những ngày tới. Khủng hoảng Ukraine vốn là vấn đề của Nga, Mỹ và phương Tây, thì nay MH17 khiến 298 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau thiệt mạng đã đẩy cuộc khủng hoảng này đang lan nhanh ra phạm vi toàn cầu. Sự chậm trễ, hợp tác kém hiệu quả trong công tác điều tra nguyên nhân có thể khiến các quốc gia phương Tây có công dân thiệt mạng mất kiên nhẫn và một sự can thiệp, hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev là khả năng hiện hữu.

 

Nguy hiểm là hiện tại có nhiều dấu hiệu các cường quốc châu Âu đang hưởng ứng niềm tin của Mỹ rằng lực lượng ly khai thân Nga là thủ phạm bắn rơi máy bay số hiệu MH17. Những lệnh trừng phạt, cấm vận thương mại mà không cần đợi bằng chứng cuối cùng có vẻ như đang sẵn sàng trút xuống Moscow. Song, liệu những đòn trừng phạt ngày càng tăng có làm Moscow chùn bước là câu hỏi dễ dàng có lời giải. Khi ảnh hưởng của Nga ở miền Đông Ukraine và việc ngăn không cho Ukraine gia nhập NATO là lợi ích quốc gia sống còn của nước Nga, thì chẳng ai dám chắc chính trường Ukraine sẽ giảm nhiệt trong những ngày tới. Khi lập trường của các bên trở nên cứng rắn hơn thì cuộc xung đột ở Ukraine sẽ lún sâu hơn vào khủng hoảng. Nhưng có lẽ mối nguy hiểm nhất mà cả Nga và phương Tây chưa lường được hết là phạm vi tấn công của phe nổi dậy có thể vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Một khi đã trở nên cực đoan thì việc chĩa vũ khí lên bầu trời hay các mục tiêu trên mặt đất chắc chắn sẽ để lại hậu quả khôn lường./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác