Tăng cường giám sát, phản biện để tập hợp, phát huy trí tuệ nhân dân

(VOV5) - Hiến pháp 2013 và Quyết định 217 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” đã khẳng định vai trò làm chủ của người dân trong đời sống xã hội Việt Nam.


Việc triển khai chủ trương này đã tạo điều kiện phát huy mạnh mẽ trí lực của toàn dân trong thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội. 
Trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng cộng sản Việt Nam đều đề cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đi sâu vào cuộc sống, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã nỗ lực lớn triển khai hoạt động giám sát, phản biện nhiều vấn đề xã hội tại địa phương….

Giám sát xây dựng chính quyền cơ sở


 Từ khi triển khai thực hiện Quy chế “Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện, xác minh và xử lý kỷ luật 25 cán bộ, công chức, đảng viên với hình thức cho nghỉ việc, chuyển công tác, cảnh cáo và phê bình trước tập thể nhân dân.

Tăng cường giám sát, phản biện để tập hợp, phát huy trí tuệ nhân dân - ảnh 1
Hội nghị UB MTTQ TP.HCM khẳng định vai trò ngày càng lớn của tổ chức Mặt trận Ảnh: HỒNG PHÚC


Sự quyết liệt trong xử lý cán bộ cũng như nhiều sai phạm khác ở địa phương không chỉ đem lại niềm tin cho nhân dân mà qua đó thể hiện sâu sắc vai trò giám sát phản biện của Mặt trận, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố bộ máy chính quyền. Bà Huỳnh Thị Út, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết:  Lúc trước chương trình giám sát còn nói chung chung nên hệ thống mặt trận cũng giám sát dàn trải trên nhiều nội dung, không cô đọng, không thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm nên hiệu quả giám sát, phản biện cũng hạn chế. Từ năm 2013, Mặt trận Tổ quốc xã Phong Phú đã mạnh dạn đổi mới hình thức giám sát và phản biện xã hội bằng cách đưa vào chương trình thống nhất hành động, nội dung giám sát đầy đủ trên nhiều lĩnh vực, từ đó việc phản biện xã hội cũng tốt hơn.


Thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng, chính sách đối với người có công

Trước khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 thì nhiều địa phương đã thực hiện quy chế giám sát đầu tư cộng đồng theo quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trên địa bàn cả nước, mỗi khu dân cư đã thành lập ra Ban thanh tra nhân dân giám sát cộng đồng và các chương trình giám sát chủ yếu tập trung vào các công trình phúc lợi của địa phương.

Tăng cường giám sát, phản biện để tập hợp, phát huy trí tuệ nhân dân - ảnh 2
Tập huấn chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Ảnh VGP/Từ Lương


Kể từ năm 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai chương trình giám sát các chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết:Hiến pháp đã xác định trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận về giám sát, phản biện nhưng chúng ta chưa có Luật giám sát và phản biện, chưa có pháp lệnh giám sát phản biện thì có làm được hay không? Chúng tôi xác định qua giám sát chính sách người có công. Mặc dù chưa có luật nhưng nếu chính phủ và các cơ quan chức năng thấy phải làm việc đó và yêu cầu Mặt trận tham gia và yêu cầu các cấp phải chuyển thông tin cho mặt trận, có kinh phí thì vẫn có thể làm được điều này. Đây là làm thí điểm.


Tăng cường giám sát, phản biện để tập hợp trí tuệ nhân dân

Hiến pháp năm 2013 và Quyết định 217 của Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc nhóm lên “ngọn lửa nguồn” để tập hợp, phát huy mạnh mẽ trí tuệ của nhân dân thông qua việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội. Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định:Trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện, một trong các vấn đề lưu tâm là làm sao khơi dậy được sự phấn khích hào sảng của người dân tham gia vào một cách chân thành với tinh thần xây dựng, từ đó mới hy vọng ngọn lửa giám sát, phản biện được nâng cao.


Theo quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giám sát, báo cáo cấp uỷ và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai. Khi cần, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể triển khai giám sát ngoài kế hoạch đã định. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng từng bước triển khai hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng và chính quyền của dân, do dân và vì dân./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác