Vị thế Việt Nam sau 39 năm gia nhập Liên hợp quốc

(VOV5) - Trải qua 39 năm, quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc đang phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau, góp phần quan trọng vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.


Cách đây 39 năm (20/9/1977-20/9/2015), Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Trải qua chặng đường gần 4 thập kỷ, cùng với sự đóng góp tích cực thì Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ tổ chức này, đồng thời vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.


Vị thế Việt Nam sau 39 năm gia nhập Liên hợp quốc - ảnh 1
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên họp cấp cao Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Ảnh: TTXVN

Trong suốt 39 năm qua, Việt Nam luôn tiến hành chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, rộng mở, “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế; bạn bè thấy ở Việt Nam một người bạn, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.


Thành viên tích cực, đối tác tin cậy

39 năm là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm của mình, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc như: duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức.


Qua sự đóng góp chủ động, tích cực, uy tín của Việt Nam trong tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này ngày càng tăng cao. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam nắm giữ những vị trí quan trọng trong Liên hợp quốc như được bầu làm Chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an và được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Trung Thành khẳng định: “Bằng sự tham gia tích cực, chia sẻ, thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề nhạy cảm, chúng ta đã làm tốt vai trò thành viên. Nó cho chúng ta những kinh nghiệm rất tốt, không những đóng góp vào phát triển, đổi mới trong nước, tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước mà còn đóng góp vai trò chủ động và tích cực đúng như tinh thần Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.


Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam luôn tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan Liên hợp quốc theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả.


Quyền và lợi ích trong quá trình phát triển

Thời gian đầu tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong giai đoạn sau đổi mới, tham gia trong Liên hợp quốc giúp Việt Nam tranh thủ được nguồn lực cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế xã hội. Giai đoạn hiện nay, Việt Nam và Liên hợp quốc hướng tới nâng cao chất lượng phát triển với việc ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng bền vững, tăng cường tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chất lượng cao, bảo trợ xã hội, thúc đẩy quản trị công nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển. Tuy tổng số tiền viện trợ của Liên hợp quốc trong 39 năm qua chỉ hơn 2 tỷ USD, con số không nhiều nhưng có ý nghĩa vì Liên hợp quốc tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu về phát triển kinh tế, xây dựng thể  chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho rằng: “Chúng ta không hy vọng tham gia để có thể dành được dự án này hay trông đợi ODA kia, nhưng chúng ta đã tạo ra một không gian rộng mở, tích cực, xây dựng hơn để cho những ý tưởng xây dựng các dự án, xây dựng các chương trình hợp tác phù hợp, theo đuổi cùng nhau nỗ lực, từ quốc gia, khu vực, quốc tế để triển khai những chương trình chung mà thế giới đã thông qua. Cụ thể là chương trình mục tiêu phát triển bền vững. Tôi nghĩ rằng tham gia tích cực là chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về nâng cao thiện chí, thúc đẩy lòng tin, mở ra những ý tưởng mới để theo đuổi những mục đích chung mà tất cả các bên cùng là bên tham gia ký kết”.


Vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại của Đảng “mở rộng sự hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế”, quan hệ với Liên hợp quốc không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc tế đất nước mà còn đấu tranh bảo vệ các lợi ích thiết thân của Việt Nam, nhất là trên các vấn đề an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên, nhất là các nước chậm phát triển.


Trải qua 39 năm, quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc đang phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau, góp phần quan trọng vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới, đưa lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam, trong một tổ chức có quy mô lớn nhất hành tinh này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác