Để khoa học và công nghệ là động lực của sự phát triển

(VOV5) -Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khoa học và công nghệ phát triển và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Hoạt động của khoa học và công nghệ Việt Nam thời gian qua có nhiều thành tựu nổi bật, mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống nhân dân.

Trong những ngày đầu năm 2018, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ tiếp tục là động lực phát triển đất nước.

Để khoa học và công nghệ là động lực của sự phát triển - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh VOV

Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khoa học và công nghệ phát triển và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Nhờ vậy, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 59 trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn xếp hạng về kinh tế. Riêng các chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ của Việt Nam nằm trong nhóm 50. Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Việt Nam tăng nhanh, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong y tế, nông nghiệp. Khoa học xã hội cũng có đóng góp tích cực trong xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới khoa học công nghệ

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây yêu cầu ngành khoa học và công nghệ đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới thể chế, cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chăm lo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ; phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của khoa học và công nghệ.

Để khoa học và công nghệ là động lực của sự phát triển - ảnh 2 Ảnh minh họa. (nguồn: TTXVN) 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: "Cần đáp ứng bốn yêu cầu chính là tính đổi mới, tính đột phá, tính thích ứng, tính bền vững trong chiến lược ngành, bám sát chương trình hành động của Chính phủ để phát triển. Riêng năm 2018, chương trình hành động của Chính phủ là tập trung chỉ đạo việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà trọng tâm là tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong nước phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng lao động quốc gia".

Trong 4 trụ cột chính cần đổi mới trong hoạt động khoa học công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc khoa học công nghệ phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Cùng với đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa nhiều. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.

Phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ

Nhấn mạnh đến việc khoa học công nghệ phải tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng doanh nghiệp phải là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo:  Một lần nữa chúng ta khẳng định phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Cái này phải nhận thức rõ hơn. Đổi mới sáng tạo trong các cơ quan Nhà nước là cần thiết, đổi mới về phong cách lề lối làm việc, cải cách hành chính, cắt bỏ thủ tục. Muốn có sản phẩm khoa học công nghệ thực sự cạnh tranh cấp quốc gia, cấp quốc tế thì doanh nghiệp là trung tâm, người dân là trung tâm. Phải có biện pháp cụ thể hơn, nhất là tạo môi trường, duy trì tốt 8 sàn giao dịch công nghệ kết nối cung cầu, môi giới chuyển giao khoa học công nghệ. 

Từ các trụ cột đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 3 đột phá ngành khoa học công nghệ cần tập trung thực hiện trong năm 2018. Trong số đó, Thủ tướng nhấn mạnh đột phá về thể chế, chính sách, xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa khoa học công nghệ. Cùng với đó là đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho khoa học công nghệ để 2% ngân sách Nhà nước chi cho khoa học công nghệ được sử dụng hiệu quả hơn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác