Điểm nóng Philippines và nguy cơ IS mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á

(VOV5) - Việc Đông Nam Á đang trở thành mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới sẽ đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước trong khu vực.

Sau vụ xung đột giữa lực lượng chính phủ và nhóm phiến quân, ngày 24/5, thành phố Marawi (đảo Mindanao, Philippines) trở thành thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á chịu sự kiểm soát của lực lượng trung thành với IS. Với khoảng 15% trong tổng số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á, vụ việc làm dấy lên lo ngại Đông Nam Á có thể trở thành một điểm "nóng" chiêu mộ chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bạo lực bùng phát vào đêm 23/5 sau khi quân đội Philippines đột kích vào nơi ẩn náu của Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh của nhóm khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf. Hơn 100 tay súng đã phản ứng lại cuộc đột kích của quân đội Philippines đồng thời yêu cầu thêm tiếp viện từ một nhóm đồng minh phiến quân khác. Kết thúc nhiều giờ giao tranh, nhóm phiến quân Maute đã chiếm toàn bộ thành phố Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, thuộc đảo Mindanao, cách thủ đô Manila 830 km về phía Nam, với dân số khoảng 200.000 người. Vụ việc khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn bộ khu vực này.

Nhóm khủng bố biểu dương lực lượng bằng việc giương cờ IS

Maute là một trong 4 nhóm cực đoan ở Philippines, đang tích cực mở rộng hoạt động và đã tiến hành nhiều vụ tấn công thời gian gần đây. Đáng chú ý hồi đầu năm nay, Maute cùng với các nhóm phiến quân khác, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayiaf, một trong những nhóm thánh chiến nhỏ nhất và tàn bạo nhất ở miền nam Philippines, đã sáp nhập lại với nhau và thề sẽ trở thành một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực này. Các nhóm này bầu ra lãnh đạo chi nhánh ở Philippines, đồng thời công bố về việc thiết lập trên đảo Mindanao của Philippines một tiểu Vương quốc Hồi giáo. Các nhóm này còn tập hợp biểu dương lực lượng bằng việc giương cờ IS, phô diễn vũ khí và các kỹ năng chiến trường.

Điểm nóng Philippines và nguy cơ IS mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á - ảnh 1Cảnh sát Philippines kiểm tra những người sơ tán tại một trạm kiểm soát an ninh ở lối vào thành phố Iligan thuộc đảo Mindanao ngày 24/5. AFP/TTXVN 

Sự hoành hành của các nhóm cực đoan chuyên khủng bố, bắt cóc, tống tiền luôn là vấn đề nhức nhối của chính quyền Manila. Chính phủ của Tổng thống Duterte đã tìm cách trấn áp các nhóm cực đoan và ngăn chặn truyền bá hệ tư tưởng cực đoan Hồi giáo ở nước này. Kể từ giữa năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần cảnh báo áp đặt thiết quân luật để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nạn ma túy. Tuyên bố thiết quân luật ở đảo Mindanao được ban bố ngay cả khi ông chưa dỡ bỏ lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ tháng 9/2016 sau vụ đánh bom ở trung tâm thành phố Davao, thủ phủ Mindanao khiến 14 người thiệt mạng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc lần này. Thành phố Marawi đã rơi vào tay nhóm phiến quân với khoảng 500 chiến binh nổi dậy khiến nơi này có nguy cơ trở thành thành phố Đông Nam Á đầu tiên bị các lực lượng thân IS chiếm giữ. Và với quan điểm cứng rắn không khoan nhượng với các nhóm khủng bố này của Tổng thống Duterte, tình trạng bất ổn ở Philippines chưa có điểm dừng.

Nguy cơ khủng bố mở rộng lãnh địa hoạt động

Trong bối cảnh IS đang bị thu dần địa bàn hoạt động và chịu nhiều tổn thất tại Trung Đông, Đông Nam Á được xem là địa bàn lý tưởng để thu hút các phần tử cực đoan. Đông Nam Á hiện có khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống, trong đó Malaysia, Philippines và Indonesia là những nước có đa số người dân theo đạo Hồi.

Điểm nóng Philippines và nguy cơ IS mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á - ảnh 2

Tổng thống Duterte tuyên bố áp đặt thiết quân luật khắp khu vực Mindanao, sau khi phiến quân Hồi giáo nổi loạn tại thành phố Marawi và tấn công lực lượng an ninh gây nhiều thương vong. EPA/TTXVN

 

Nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở một số quốc gia Đông Nam Á là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với IS thông qua mạng Internet. Mới đây, một đoạn phim của IS đã hô hào các tín hữu cộng tác với các chiến binh của tổ chức này tại nhiều điểm nóng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở miền Nam Philippines, được phát đi bằng các thứ tiếng Bahasa Malay, Tagalog và tiếng Anh. Ước tính hiện có 700 người Indonesia và 100 người Malaysia đang tham chiến trong hàng ngũ của IS tại Trung Đông. Trên thực tế, các nhà chức trách Đông Nam Á đã tìm thấy có những mối liên hệ nhất định giữa IS với các loạt vụ tấn công ở Đông Nam Á thời gian gần đây.

Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.  Và Đông Nam Á trở thành một điểm "nóng" chiêu mộ chiến binh của IS. Tình trạng bất ổn tại miền Nam Philippines là vô cùng đáng lo ngại. Việc Đông Nam Á đang trở thành mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới sẽ đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước trong khu vực và vấn đề cấp thiết là các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo theo một lộ trình bền vững để đối phó mối đe dọa này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác