EAS tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực

(VOV5) -  EAS đã thành công khi quy tụ được nhiều nước lớn cùng tham gia thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ và chia sẻ những quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung.


Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), một cơ chế quan trọng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, vừa kết thúc tại Lào, với sự tham dự của 10 Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và 8 nước đối tác. Sau 10 năm, EAS đã thực sự trở thành diễn đàn cho các nhà lãnh đạo khu vực bàn những vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng của khu vực và cơ chế hợp tác này vẫn đang tiếp tục phát huy vai trì thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.


EAS tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 6.

Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Với chức năng là một diễn đàn công khai, minh bạch và toàn diện, EAS được thiết lập để thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược lớn chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Á. Dù các nước thành viên có thể có khác biệt về phương thức song EAS không thể bất đồng về những mục tiêu lớn đề ra.

Thành công trong việc thu hút các cường quốc tham gia

Được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/2005 tại Malaysia với sự tham gia của 16 nước (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand), EAS đóng vai trò là một diễn đàn cho Lãnh đạo Cấp cao đối thoại về những vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. EAS được tổ chức định kỳ hàng năm và hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách của ASEAN. Năm 2010 đánh dấu bước chuyển mới khi Hội nghị EAS lần thứ 5 tại Hà Nội đã chính thức quyết định kết nạp Mỹ và Nga tham gia EAS, nâng tổng số thành viên lên 18 nước. Với quyết định mở rộng thành viên, EAS đã trở thành một diễn đàn hợp tác có tầm mức cao hơn và quy mô rộng lớn hơn ở khu vực.

EAS đã thành công khi quy tụ được nhiều nước lớn cùng tham gia thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ và chia sẻ những quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung. EAS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ chính trị thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên chung giữa ASEAN với các Đối tác. Là diễn đàn đối thoại chiến lược ở cấp cao nên nhiều chủ đề, nội dung và lĩnh vực hợp tác quan trọng đã được đưa vào chương trình nghị sự của EAS. Bên cạnh xây dựng và chia sẻ các quy tắc chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia, ứng phó với những thách thức an ninh, EAS tăng cường quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, môi trường và biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, giáo dục, tài chính, quản lý thiên tai, kết nối ASEAN, an ninh lương thực, an ninh biển và hợp tác phát triển.

Đạt nhiều tiến triển thực chất

Kể từ khi tổ chức lần đầu tiên năm 2005, EAS đã hoàn thành tốt vai trò như mục tiêu đề ra, đó là tiếp cận giải quyết các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, giúp tăng cường hợp tác và đối thoại vì lợi ích chung, tăng cường sự tin tưởng, đảm bảo minh bạch và dự đoán sớm các diễn biến trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, EAS đã đạt tiến triển trong 6 lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế toàn cầu, quản lý thảm họa và môi trường, hỗ trợ sự kết nối ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác thương mại trong khu vực. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được lãnh đạo 16 quốc gia đã nhất trí khởi động đàm phán từ năm 2012, hướng tới mục tiêu đạt được một thỏa thuận liên kết kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, cùng có lợi, tạo điều kiện mở rộng hơn nữa thương mại và đầu tư trong khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đến nay, RCEP đã trải qua 10 vòng đàm phán và đang nỗ lực sớm hoàn tất. Nếu được ký kết, thỏa thuận thương mại tự do khu vực này sẽ tạo ra một khối kinh tế với dân số vào khoảng 3,4 tỷ người và kim ngạch thương mại trị giá 10,6  nghìn tỷ USD, chiếm 30% sản lượng thương mại toàn cầu.

Phát huy vai trò và đóng góp của EAS vào hoà bình và an ninh khu vực

Trải qua hơn 10 năm, EAS không chỉ giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ ASEAN giải quyết các vấn đề khu vực mà còn giúp từng nước thành viên ASEAN giải quyết hiệu quả các vấn đề chiến lược có liên quan đến quốc gia mình. Vai trò quan trọng nhất của EAS với các nước thành viên là ngăn ngừa xung đột, đảm bảo an ninh. EAS tạo ra cơ chế đối thoại đa phương để các nước thành viên tìm ra tiếng nói chung trong những bất đồng, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Thực tế, EAS đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề giữa các nước thành viên như Myanmar, xung đột Thái Lan-Campuchia, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình khu vực còn nhiều bất ổn, bước vào giai đoạn mới, EAS tiếp tục nâng cao vai trò và đóng góp của mình vào hoà bình và an ninh khu vực, tăng cường lòng tin và tính minh bạch trên cơ sở tuân thủ những quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung, đặc biệt là nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như chủ động ứng phó hữu hiệu với những thách thức đang đặt ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác