Nhân lên giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(VOV5) - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nêu gương, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt. 

Tư tưởng, đạo đức, nhân cách và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ yêu quý của người Việt Nam, là minh chứng sinh động nhất, dễ thuyết phục nhất để toàn Đảng, toàn dân Việt Nam học và làm theo Người.

Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 8 năm triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Nhân lên giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - ảnh 1Ảnh tư liệu: Cốt cách, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học và làm theo Người. - Nguồn: VOV

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nêu gương, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Tấm gương trong sáng, mẫu mực

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cống hiến cho dân, cho nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng, mẫu mực. Bởi vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, từng lời nói của Người có sức hiệu triệu, thuyết phục lớn lao. Đó là yếu tố tiên quyết làm nên thành công của cuộc cách mạng Việt Nam: “Noi gương Hồ Chí Minh, một con người với vị trí lãnh đạo cao nhất thể hiện tấm gương của người cán bộ lãnh đạo cách mạng, cán bộ của chúng ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ trở thành những cán bộ gương mẫu. Lúc đó cán bộ nói là dân tin bởi vì đảng viên đi trước làng nước theo sau. Nên là niềm tin của nhân dân đặt hoàn toàn vào cán bộ. Cán bộ nói đi đôi với làm. Đó là động lực, là sức mạnh tạo ra nguồn lực chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước”.

Trong bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào của đất nước, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách tốt đẹp, cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được thực hành nghiêm túc và được nhân lên bởi những tấm gương, những việc làm bình dị, nhưng lại có ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng. Đó là sức mạnh của sự nêu gương, của tinh thần “nói đi đôi với làm”.

Nhân lên các giá trị đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng sức mạnh tinh thần từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị lớn trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, khi Đảng, Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên: “Ở đâu cũng vậy, vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, nếu người đứng đầu gia đình cũng như xã hội gương mẫu thì con em trong gia đình cũng như nhân dân ngoài xã hội tin tưởng làm theo. Ở đây tôi muốn nói sức mạnh cảm hóa của người đứng đầu là quan trọng lắm”.

Giáo sư, Tiến sỹ, Chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên cần nói đi đôi với làm, thường xuyên rèn luyện, tự đánh giá đúng bản thân, kiên quyết không buông thả, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường đầy những cạm bẫy và cám dỗ, thì mới tránh được sự hư hỏng, thoái hóa; mới góp phần nhân lên những giá trị cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đảng viên nhìn vào quần chúng nhân dân của mình ở ngay nơi mình công tác sinh sống ta thấy nhiều tấm gương cao quý và bình dị của những người dân bình thường để tự mình phải soi vào đấy để nâng mình lên. Nó phải trở thành nhu cầu, mỗi đảng viên, cán bộ chúng ta hãy coi việc rèn luyện đạo đức như một nhu cầu thường xuyên, nhu cầu văn hóa, không cần ai thúc giục, không cần ai áp lực, thúc đẩy, nó là tự thân của chính mình”.

Nhân lên giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - ảnh 2

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. - Ảnh: VOV

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người phải tu dưỡng rèn luyện, đề cao giá trị của lòng tự trọng; những cán bộ, đảng viên mà hư hỏng, suy thoái, vi phạm phải nghiêm trị bằng pháp luật, và nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nêu gương: “Nêu gương chỉ là một trong những biện pháp để làm Đảng trong sạch, nhất là chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp luật, ai làm trái luật thì phải bị nghiêm trị bằng pháp luật, không có ai nằm ngoài pháp luật, càng không có ai nằm trên pháp luật”.

Thực hiện chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ chỉ có kết quả thực chất khi trong cách nghĩ, cách làm, từng cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác