Nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam

(VOV5) - Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 21% vàxuất siêu đạt gần 3 tỷ USD.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khoá 14 ngày 21/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Những thông tin và con số trong báo cáo khẳng định sự bước triển mạnh mẽ và toàn diện của kinh tế Việt Nam trong hơn 1 năm qua, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp trong thời gian tới để kinh tế đất nước đi lên một cách bền vững.

Nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam - ảnh 1 Bà Tô Thị Bích Châu, đại biểu TP HCM. Ảnh: QH

Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm 2017, những chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV đề ra đều đạt và vượt mục tiêu. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 21% vàxuất siêu đạt gần 3 tỷ USD. Những tháng đầu năm 2018, Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh, tổng kim ngạch 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD, tăng 19%.

 

Niềm tin cho sự phát triển toàn diện của kinh tế Việt Nam

Trên cơ sở những kết quả đã được, Kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa 14 dành một ngày rưỡi để thảo luận và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Ý kiến các đại biểu cho rằng kết quả trên là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ. Việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch và kiến tạo, cùng với kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2012 đến nay cũng như vấn đề thực hiện 3 đột phá chiến lược, đến cuối năm 2017, thông tin về kinh tế nước ta được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất tốt. Bà Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, chia sẻ: Qua nghe Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tôi thực sự ấn tượng về những kết quả trên bởi trong thời gian vừa qua với những sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã đạt được. Riêng về kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng của quý I đạt cao chưa từng thấy trong 10 năm qua và tăng đều trong các chỉ số. Đây là điểm rất ghi nhận thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.

Nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam - ảnh 2

Với các các nhiệm vụ, giải pháp với trọng tâm là: Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng... Chính phủ đã chèo lái con thuyền kinh tế đạt được những thành tựu mới, tạo niềm tin cho người dân trong xây dựng, phát triển đất nước. Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: Nhất là tín hiệu của 4 tháng đầu năm 2018 cho chúng ta thấy bức tranh về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển động tích cực. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hầu hết các ý kiến cử tri tin tưởng và chờ đợi những nỗ lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong phát triển kinh tế. Tôi thấy số đông cử tri phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào đổi thay của đất nước.

 

Khắc phục khó khăn, phấn đầu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế 2018

Theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra từ nay đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, theo ý kiến của các đại biểu phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đại biểu cũng đề nghị cần coi cải cách hành chính là một giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Ông Trịnh Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho rằng: Từ bây giờ đến cuối năm khó khăn nhất vẫn là cơ chế. Chúng ta vẫn còn chồng chéo cơ chế và cần cởi mở hơn đối với các nhà đầu tư… Chúng ta phải xây dựng cơ chế thoáng, điều hành thống nhất với nhau giữa các địa phương đối với nhà đầu tư. Tôi rất ủng hộ các Đặc khu kinh tế và đề nghị có cơ chế chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư.

Tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 đang tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời tận dụng những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo nguồn lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác