Những quyết sách khơi thông nguồn lực phát triển

(VOV5) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tồn đọng nợ xấu, các khoản nợ liên quan đến trái phiếu.

Xây dựng đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao là mục tiêu của Việt Nam. Ngay từ đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua một số chính sách rất quan trọng, Chính phủ đẩy nhanh việc cụ thể hóa để những chính sách này triển khai hiệu quả trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhiều Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị đều đặt ra các yêu cầu: hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính.

Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính

Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, gần 70% các khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (tháng 1 năm nay), Quốc hội khóa XV, đã phải chỉnh lý nhiều lần và lùi thời gian thông qua với sự cân nhắc, thận trọng. Luật sửa đổi đã thể chế hóa các quan điểm nội dung của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đất đai, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Luật được sửa đổi trên tinh thần “lấy người dân làm trọng tâm”. Nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân, như: những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi, sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường; Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận…Những thay đổi trên mang tính tích cực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội theo hướng  ổn định. 

Trong khi đó, thực tế cuộc sống cũng đặt ra nhiều vấn đề với Luật Các tổ chức tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tồn đọng nợ xấu, các khoản nợ liên quan đến trái phiếu; tránh yếu tố gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, giúp thị trường tài chính hoạt động minh bạch. Những nội dung Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: "Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một Luật hết sức sâu về chuyên ngành. Kỳ vọng của chúng ta về sự thay đổi của hệ thống ngân hàng của hệ thống tín dụng là rất lớn, đặc biệt là vấn đề liên quan ứng dụng của công nghệ trong kiểm soát ngân hàng như: kiểm soát nợ xấu, kiểm soát sở hữu chéo, quan trọng nhất phải kiểm soát được toàn bộ dòng tiền".

Thúc đẩy chính sách sớm đi vào cuộc sống

Luật đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5. Để luật sớm được thực thi, ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật và thông tư. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực ngay từ 1/7 năm nay, thay vì 1/1 năm sau.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ kỳ vọng hoàn thành sớm các nghị định hướng dẫn để đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực ngay tháng 7. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: "Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản, gồm 6 Nghị định và 4 Thông tư. Các cơ quan thuộc Bộ đang khẩn trương xây dựng theo đúng trình tự, quy định của pháp  luật, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành trong tháng 5 năm nay. Riêng đối với Nghị định về hoạt động lấn biển được trình theo trình tự rút gọn để có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 4  tới".

Trong khi đó, đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất ban hành 6 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Dự kiến trong tháng 4 tới các bộ/ngành, địa phương sẽ rà soát xong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong triển khai luật.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng này được cụ thể hoá bằng những mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn trong những thập kỷ tiếp theo. Những hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những quyết sách về nhiều vấn đề căn cơ, chiến lược, trong đó có chính sách đất đai, tài chính, đang tạo ra khí thế mới, khơi thông nguồn lực cho phát triển, hiện thực hóa khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác