Phật giáo Việt Nam vì một thế giới hòa bình và phát triển

(VOV5) -Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019, do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất, đã phản ánh tầm nhìn và mối quan tâm toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu.

Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Vesak của Liên hợp quốc đã tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, Đại lễ Vesak 2019 là Đại lễ thứ 3 mà Việt Nam đăng cai tổ chức.

Với số lượng đông đảo đại biểu Phật giáo đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây thực sự là một lễ hội tôn giáo thế giới. Sự kiện này cho thấy Phật giáo Việt Nam đang ngày càng tích cực hội nhập, vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Bài viết của Thu Thảo.

Với chủ đề “ Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì một xã hội bền vững” Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại Việt Nam là dịp để thế giới bày tỏ quyết tâm cùng chung tay xây dựng hòa bình. Với tất cả những gì đã và đang diễn ra, Đại lễ Vesak 2019 là dịp để mỗi Phật tử tôn vinh Đức Phật và suy ngẫm về chân lý hòa bình, đảm thiểu xung đột, khổ đau của loài người, ca ngợi và thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia.

Phật giáo Việt Nam vì một thế giới hòa bình và phát triển - ảnh 1Quang cảnh lễ khai mạc Vesak 2019. -Ảnh Ban tổ chức

Phật giáo Việt Nam đóng góp cho hòa bình thế giới

Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019, do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất, đã phản ánh tầm nhìn và mối quan tâm toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu. Những ngày này, các đại biểu dự Vesak 2019 đang cùng nhau thảo luận về các vấn đề như: Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, giáo dục và đạo đức toàn cầu. Từ đó, góp phần gợi mở các giải pháp mang tính thực tiễn và thích ứng toàn cầu để giải quyết các vấn đề của Liên hợp quốc dựa trên những minh triết của Đức Phật. Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự, kiêm Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng chủ đề của Đại lễ Vesak 2019 thể hiện trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam là hội nhập vì sự phát triển của toàn cầu:

"Đại lễ Phật đản này đó là một hội thảo khoa học về cách tiếp cận của Phật giáo trong sự lãnh đạo toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm của mình. Điều đó nói lên Hội đồng Liên hợp quốc và các nhà lãnh đạo xem ý nghĩa giá trị nhân văn và tư tưởng giáo lý của Phật giáo rất quan trọng trong việc góp phần đem đến xã hội bền vững. Từ chủ đề này, ban trị sự một số tỉnh thành của Việt Nam cũng đã có các hội thảo nhằm để làm rõ và tôn vinh cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo của Phật giáo góp phần cho sự lãnh đạo toàn cầu, để đem đến cho nhân loại một cuộc sống bền vững. Đây là một chủ đề quan trọng đặt cho Phật giáo có trách nhiệm lớn trong sự kiện đại lễ Vesak tổ chức tại Việt Nam lần này."

Đánh giá tích cực về đề xuất của Việt Nam, các đại biểu quốc tế cho rằng chủ đề của Vesak lần này mang tính thời sự và cần thiết trong bối cảnh chiến tranh, đói nghèo đang là vấn nạn của thế giới, qua đó góp phần truyền tải thông điệp mong muốn tất cả chung tay đem sự từ bi và trí tuệ phụng sự vì sự phát triển chung. Chủ đề của Vesak 2019 thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 500 bài tham luận của học giả, trong nước và quốc tế, trong đó nhiều tham luận từ các đại biểu của Việt Nam, gửi đến tham dự các hội thảo trong khuôn khổ Đại lễ lần này.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Tất cả chúng ta đều hướng đến sự thể hiện đóng góp cho tinh thần của Phật giáo phụng sự cho lý tưởng hòa bình cho nhân loại, đó là ý tưởng lớn nhất mà giáo hội chúng ta ngày nay muốn chứng minh và góp phần mang lại nét đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp cho phật giáo thế giới, cũng như cho cộng đồng thế giới về nét đẹp của Đức Phật và đạo Phật."

Dấu ấn Việt Nam rõ nét

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 đã đón nhận được niềm tin yêu của cộng đồng thế giới và cộng đồng Phật giáo quốc tế khi có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự: "So với 12 lần tổ chức tại Thái Lan và 1 lần tổ chức tại Srilanka, thì đây là lần đầu tiên mối quan hệ ngoại giao quốc tế của Phật giáo Việt Nam đạt được thành tựu cao nhất từ trước đến giờ. Cho nên kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được là khi có sự chân thành cam kết và tôn trọng thì chúng ta sẽ đón nhận được sự hân hoan tham dự của cộng đồng Phật giáo trên thế giới."

Đại biểu trong nước và quốc tế cũng đặc biệt ấn tượng về hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc trước đó của nước chủ nhà Việt Nam và cho rằng việc Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của Phật giáo quốc tế.

Đại lễ Vesak 2019 những ngày này thực sự là một diễn đàn rộng lớn để Việt Nam không chỉ giới thiệu về hình ảnh đất nước con người thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình, mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc trong vai trò là một thành viên tích cực, chủ động đóng góp cho hòa bình thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác