Quốc tế và những thách thức trong việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc

(VOV5) - Năm 1979, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 21/03 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc.

Ngày 21/03 hàng năm được Liên hiệp quốc(LHQ) lựa chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc. Trong bối cảnh gia tăng xung đột, bất ổn kinh tế, khủng hoảng khí hậu và bùng nổ công nghệ, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc trên thế giới gặp nhiều thách thức lớn.

Năm 1979, Đại hội đồng LHQ chính thức lấy ngày 21/03 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, nhằm tưởng niệm sự kiện 69 người biểu tình da màu Nam Phi bị sát hại trong một cuộc tuần hành hòa bình chống lại chế độ Apartheid ở nước này ngày 21/03/1960.

Công lý cho châu Phi

Sau 45 năm được cộng đồng quốc tế xác định là 1 trong những ưu tiên hành động hàng đầu, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc trên toàn cầu có những bước tiến lớn. Các bộ luật mang tính phân biệt chủng tộc bị bãi bỏ tại hầu hết các quốc gia, đồng thời cộng đồng quốc tế cũng đã xây dựng được những khung pháp lý quan trọng, như: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc và đặc biệt là Tuyên bố Durban 2001 về Chương trình hành động “Khắc phục, công lý sắc tộc và công bằng cho hậu duệ của người châu Phi”. Tháng 12/2013, Đại hội đồng LHQ cũng khởi xướng “Thập kỷ quốc tế vì hậu duệ của người châu Phi”, bắt đầu từ 1/1/2015 và kết thúc 31/12 năm nay. Trong bối cảnh đó, nhằm nhìn lại thành quả hành động trong 1 thập kỷ vừa qua, Ngày quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc năm nay có chủ đề “Một thập kỷ của công nhận, công lý và phát triển: Việc thực hiện Thập kỷ quốc tế vì hậu duệ của người châu Phi”.

Quốc tế và những thách thức trong việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc - ảnh 1Ngày 21/03 hàng năm được Liên hiệp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc. Ảnh: ITUC CSI IGB

Theo các số liệu của LHQ, hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người là hậu duệ của người châu Phi đang sinh sống tại Mỹ và hàng trăm triệu người khác đang sinh sống tại nhiều quốc gia khác ngoài châu Phi, như: Anh, Pháp, Brazil, các quốc đảo Caribe… Đây là những đối tượng chính của nạn kỳ thị chủng tộc trên thế giới, đồng thời cũng là những người phải gánh chịu các di sản nặng nề của quá khứ nô lệ và thực dân. Trong báo cáo nhân quyền tháng 8 năm ngoái, Hội đồng nhân quyền LHQ (OHCHR) cho biết tình trạng phân biệt chủng tộc với người da gốc Phi vẫn có chiều hướng tăng trên toàn thế giới. Người phát ngôn của OHCHR, bà Ravina Shamdasani, cho biết:“Báo cáo của chúng tôi cho thấy sự phân biệt chủng tộc có tính hệ thống vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh đời sống của những người là hậu duệ châu Phi. Việc người gốc Phi thiệt mạng trong và sau các cuộc tiếp xúc với nhân viên thực thi pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra và có rất ít tiến bộ trong việc trừng phạt hành động này, bất chấp các nỗ lực đòi hỏi trách nhiệm từ phía các gia đình”.

 Theo bà Epsy Campbell Barr, Chủ tịch Diễn đàn thường trực về hậu duệ của người châu Phi, 1 trong những ưu tiên cần phải thực hiện ngay là xử lý di sản của thời kỳ buôn bán nô lệ và thực dân. Số liệu của LHQ cho thấy có khoảng 25-30 triệu người châu Phi đã bị buôn bán làm nô lệ và di chuyển cưỡng bức khỏi châu Phi trong thời gian từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19. Những người này bị đối xử tệ hại, bị tước đoạt mọi quyền về chính trị-kinh tế- xã hội và con cháu những người này phải chịu đựng sự phân biệt đối xử có hệ thống trong nhiều thế hệ. LHQ coi đây là các tội ác chống lại loài người và cho rằng công lý khắc phục cần phải được tiến hành. Do đó, từ vài năm qua, 15 quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia vùng Caribe (CARICOM) đã khởi động các hành động pháp lý để buộc 10 nước châu Âu phải bồi thường vật chất, tinh thần cho các hậu duệ của người châu Phi.

Chống phân biệt chủng tộc thời công nghệ

Bên cạnh các nỗ lực giành lại công lý, đảm bảo sự đối xử công bằng cho cộng đồng gốc Phi, LHQ và các cơ quan chức năng của tổ chức này thời gian qua cũng lên tiếng nhiều hơn về sự xuất hiện của nhiều hình thức phân biệt chủng tộc mới, trong bối cảnh sự cực đoan hóa đang diễn ra trong nhiều xã hội, đồng thời các nền tảng công nghệ khiến việc lan truyền các tư tưởng phân biệt chủng tộc trở nên khó kiểm soát hơn. Theo Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, 1 xu hướng rất nguy hiểm xuất hiện trong những năm gần đây là việc nhiều chính trị gia cực hữu, dân túy ở nhiều quốc gia sử dụng các luận điệu bài ngoại, phân biệt chủng tộc vì mục đích chính trị:“Sự bài ngoại, định kiến và các phát ngôn hận thù đang gia tăng. Các chính trị gia biến người di cư thành vật tế thần, với các hệ lụy nghiêm trọng, trong khi những nhân vật có ảnh hưởng theo thuyết da trắng thượng đẳng tận dụng sự phân biệt chủng tộc trên các nền tảng mạng xã hội”.

Quốc tế và những thách thức trong việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc - ảnh 2Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Salvatore Di Nolfi/AP

Tổng thư ký LHQ cảnh báo sau một thời gian có sự gia tăng đáng kể về nhận thức chống phân biệt chủng tộc, hiện nhiều quốc gia đang chứng kiến xu hướng đảo ngược, khi các chính sách và cách hành xử có yếu tố phân biệt chủng tộc tăng trở lại. Cũng theo người đứng đầu LHQ, các rủi ro về thông tin sai lệch, thông tin giả liên quan đến các chủ đề về chủng tộc đang ngày càng lớn hơn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng rộng rãi, khiến tình trạng phân biệt chủng tộc lan rộng trong không gian số. Vì thế, trong thông điệp gửi đi trong Ngày Quốc tế xóa bỏ kỳ thị chủng tộc năm nay, TTK LHQ, Antonio Guterres lần đầu tiên kêu gọi các tập đoàn công nghệ chung tay hành động để kiểm soát AI, qua đó loại bỏ tất cả những thông tin định kiến dẫn đến phân biệt chủng tộc trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác