Tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới

(VOV5) - Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. 

Ngày 19/08, Việt Nam kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Vai trò, ảnh hưởng to lớn cũng như bài học ý nghĩa của cuộc cách mạng này đã ghi dấu trong nhiều giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam, không chỉ trong công cuộc thống nhất đất nước mà còn trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thành công của Cách mạng tháng 8 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đập tan ách nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới - ảnh 1Ảnh tư liệu: Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. (TTXVN) 

Bài học kinh nghiệm quý giá

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về khơi dậy và phát huy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, trên cơ sở đó xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân để giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Bài học về xây dựng lực lượng cách mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cho tổng khởi nghĩa.

Bài học về nắm chắc mọi diễn biến tình hình, trên cơ sở đó nhạy bén phát hiện thời cơ, kịp thời chớp thời cơ phát động tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Bài học về phát huy cao độ tính sáng tạo, tính chủ động, tự lực, tự cường của quảng đại quần chúng và của cán bộ, đảng viên. Trong mọi hoàn cảnh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập. Đó chính là nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, kịp thời quyết định đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế.

Phát huy tinh thần cách mạng tháng 8 trong công cuộc đổi mới

Có thể nói, tất cả những thành tựu trong suốt 74 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là việc vận dụng các bài học kinh nghiệm của lịch sử. Nhờ đó, một dân tộc đã vươn mình. 

Hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tinh thần tự hào của Cách mạng Tháng Tám luôn là nguồn lực hun đúc ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của nhân dân Việt Nam. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước.

 Phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn. Chính phủ Việt Nam quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong nhiều phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: "Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn;chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình. Đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi đầy đủ các tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ, để đưa ra giải pháp kịp thời hơn. Theo dõi, đánh giá dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế để có giải pháp thích ứng, tạo bước đệm chống các cú sốc bên ngoài. Đồng thời Việt Nam phải chào đón các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu."

Trong thành tích của đất nước cũng phải nhấn mạnh “kỳ tích” xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Thành tích đó gây ấn tượng mạnh mẽ khi tỷ lệ người nghèo từ hơn 80% dân số, sau 30 năm giảm xuống còn khoảng 6%. Hơn 60 triệu người đã thoát nghèo.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban đối ngoại Trung ương, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh rằng: "Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng phải được giữ vững. Thúc đẩy đường lối đối ngoại đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó dành ưu tiên cao cho các Đảng cầm quyền, các Đảng có vị trí và vai trò quan trọng trên chính trường, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước ASEAN và đối tác quan trọng, coi đây là kênh quan trọng đặc biệt giữ vai trò cầu nối tạo cơ sở chính trị tin cậy cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa nước Việt Nam với các nước".

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc

Có thể nói, tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, giúp Việt Nam quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả của sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác