Xây dựng những giải pháp đột phá để phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông

(VOV5) -Chủ trường phát triển theo mô hình BOT là một chủ trương đúng, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, hôm nay 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi. 

Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông, đầu tư theo hình thức BOT. Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua đã được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. 

Xây dựng những giải pháp đột phá để phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của cử tri 

Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: " Ngành Giao thông vận tải cố gắng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, tuy nhiên, nhìn chung đến nay hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi ý thức rằng phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của ngành và của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi nghĩ rằng phải có những giải pháp đột phá để đảm bảo an toàn giao thông. Về hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn của nhà nước, vốn vay, chúng tôi đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo mô hình BOT. Chủ trường phát triển theo mô hình BOT là một chủ trương đúng, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay... Việc thực hiện được chúng tôi thực hiện quyết liệt và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội, tạo nền tảng cho giao thông hoàn chỉnh.

Trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. 

Báo cáo nêu rõ: Thông qua gần 1.400 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được hơn 2.000 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác