(VOV5) - Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững.
Là quốc gia biển, vấn đề an ninh biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động lớn đến phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam khẳng định biển, đảo có vai trò quan trọng với việc xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Sinh thời, khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo
Biển, đảo là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời, bất khả xâm phạm của Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc nói chung, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn và lợi ích quốc gia-dân tộc trên các vùng biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhà giàn DK1. Ảnh: VOV |
Những năm qua, hệ thống quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo được hoàn thiện, phát triển. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021), Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.
Những văn kiên trên cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo, là cơ sở để triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thực tiễn.
Tôn trọng các quy định của luật pháp và nguyên tắc quan hệ quốc tế
Trong quá trình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia, Việt Nam luôn tuân thủ, tôn trọng các quy định của luật pháp và nguyên tắc quan hệ quốc tế.
Là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan.
Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình tại các diễn đàn quốc tế, khu vực thông qua trao đổi đoàn các cấp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao; chủ động kiềm chế, không có các hành động khiêu khích, không làm phức tạp tình hình. Việt Nam cũng xây dựng hệ thống các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, tranh chấp với các bên, các nước có liên quan, như: biện pháp ngoại giao (đàm phán; thương lượng; điều tra; trung gian hòa giải; thông qua các tổ chức quốc tế, khu vực; ký kết các hiệp định song phương, đa phương...). Việt Nam cũng coi trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác; đẩy mạnh hợp tác đa phương trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, nghiên cứu khoa học-công nghệ, phòng, chống tội phạm trên biển...để giữ vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Về song phương, theo Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, Việt Nam đã ký nhiều văn bản pháp lý về biên giới trên biển với các nước láng giềng, như Hiệp định về vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, (ký ngày 07/7/1982); Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan (ký ngày 09/8/1997); Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký ngày 25/12/2000); Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký ngày 25/12/2000; Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký ngày 11/10/2011…
Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Bảo vệ đất nước nói chung, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo nói riêng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững.