(VOV5) -Những gì đang diễn ra tại Trung Đông khiến các đòi hỏi về thực thi vai trò bảo đảm hòa bình, an ninh thế giới của LHQ càng trở nên cấp bách hơn.
Diễn ra từ 24-28/09 tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 79 bị phủ bóng bởi nguy cơ xung đột lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, đồng thời yêu cầu phải cải tổ sâu rộng LHQ đang ngày càng trở nên cấp bách.
Ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ Khóa 79 (UNGA-79), lãnh đạo nhiều quốc gia đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của LHQ (22-23/09) và thông qua Hiệp ước Tương lai, vạch ra 56 cam kết hành động trong những thập kỷ tới. Đây được xem là cú hích cho UNGA-79, trong bối cảnh vai trò đảm bảo hòa bình, an ninh trên thế giới của LHQ bị hoài nghi hơn bao giờ hết.
Toàn cảnh phiên họp tại Hội nghị cấp cao ĐHĐ LHQ Khóa 79 ở New York (Mỹ) ngày 22/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Bất ổn an ninh toàn cầu
Vào thời điểm các hoạt động ngoại giao cấp cao đầu tiên diễn ra tại New York, thế giới lại chứng kiến nguy cơ bùng phát một xung đột mới. Tại Trung Đông, tình trạng đối đầu giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon leo thang trầm trọng, đẩy cả hai đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.
Các cuộc không kích của Israel vào miền Nam Lebanon trong ngày 23/09 đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người, tạo nên ngày “chết chóc” nhất tại Lebanon kể từ sau cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990 tại quốc gia này. Trước đó 1 ngày, lực lượng Hezbollah đã tuyên bố mở cuộc chiến không hồi kết với Israel. Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại dải Gaza kéo dài gần 1 năm và chưa có hồi kết, nguy cơ bùng phát xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah, đồng minh thân cận và có tiềm lực mạnh hơn nhiều so với Hamas, có thể đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện tàn khốc hơn nhiều.
Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), ông Qu Dongyu. Ảnh tư liệu (Nguồn: Xinhua) |
Những gì đang diễn ra tại Trung Đông khiến các đòi hỏi về thực thi vai trò bảo đảm hòa bình, an ninh thế giới của LHQ càng trở nên cấp bách hơn. Từ khi xung đột tại dải Gaza bùng phát tháng 10 năm ngoái cho đến tình cảnh bên bờ vực chiến tranh hiện nay ở miền Nam Lebanon, gần 50.000 thường dân đã thiệt mạng, trong đó gần 2/3 là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, ngoài các hoạt động cứu trợ nhân đạo, LHQ gần như bế tắc trong việc thúc đẩy và áp đặt một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột. Điều tương tự cũng diễn ra đối với cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 3 tại Ukraine. Theo đại diện nhiều quốc gia thành viên LHQ, mấu chốt của sự bế tắc này là cơ chế hoạt động không còn phù hợp của Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ, nơi 5 quốc gia thành viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) có quyền phủ quyết.
Do đó, việc cải tổ LHQ, đặc biệt là HĐBA, không thể trì hoãn. Tổng thống Chile, Gabriel Boric, tuyên bố: “Năm 2024 không phải là năm 1945. Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến một số quốc gia, vì các mâu thuẫn địa chính trị, phủ quyết 1 nghị quyết. Nhưng thế giới ngày nay không còn như thế. Các quốc gia này không nên có quyền phủ quyết và HĐBA không đại diện cho thế giới ngày nay”.
Chung quan điểm này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan cũng cho rằng cần phải nâng cao quyền lực của ĐHĐ LHQ, nơi tập trung tất cả cac quốc gia thành viên LHQ, thay vì tập trung quyền lực vào HĐBA: “Chúng ta cần dân chủ hóa quy trình ra quyết định tại LHQ. Hòa bình và an ninh quốc tế không thể bỏ mặc cho ý chí của một nhóm đặc quyền chỉ bao gồm một số ít quốc gia”.
Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Bên cạnh đòi hỏi cấp bách phải cải tổ LHQ để tổ chức này thực thi hiệu quả hơn sứ mệnh cao nhất là đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, UNGA-79 cũng phải thảo luận nhiều thách thức toàn cầu lớn khác, nổi bật là cam kết chống biến đổi khí hậu của các quốc gia và tiến độ thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo lộ trình 2030 của LHQ. Liên quan đến khủng hoảng khí hậu, UNGA-79 là sự kiện ngoại giao cấp cao cuối cùng trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu – COP29, tổ chức vào tháng 11 tới tại Azerbaijan, do đó, các quốc gia cần sớm thống nhất được các mục tiêu tham vọng hơn, như: thỏa thuận tài chính toàn cầu mới thay thế cam kết 100 tỷ USD/năm sẽ hết hạn vào năm sau; lộ trình cụ thể loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch; yêu cầu về tiến độ thực hiện các cam kết mà các quốc gia đưa ra trong Bản đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) trình lên LHQ đầu năm sau.
Đối với lộ trình thực hiện các SDGs đến năm 2030, LHQ cũng cần tạo ra động lượng mới cho các quốc gia thành viên trong bối cảnh hầu hết các SDGs đều đang bị tác động mạnh bởi môi trường an ninh bất ổn và tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), ông Qu Dongyu, cho biết: “Thế giới đang đối mặt với một thực trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng hết sức nản lòng. Trong năm ngoái, có hơn 730 triệu người trên thế giới đối mặt với nạn đói và 2,3 tỷ người trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa và nghiêm trọng. Chúng ta đang không trên lộ trình đạt được bất kỳ SDGs nào và cũng đang chứng kiến sự bất bình đẳng dai dẳng trong nhiều lĩnh vực, từ thu nhập, giới tính cho đến việc tiếp cận với các tài sản và cơ hội”.
Hợp tác Nam-Nam giữa các quốc gia đang phát triển cũng là một chủ đề lớn đáng chú ý khác UNGA-79, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển, còn được gọi là thế giới phương Nam (Global South), đang ngày càng có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Ngay trong những ngày đầu tiên của tuần lễ ngoại giao lớn nhất trong năm tại New York, hàng trăm cuộc gặp song phương giữa các nước đang phát triển đã được tổ chức và được cụ thể hóa bằng nhiều thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại cho đến năng lượng, công nghệ.