(VOV5) - Mặc dù nhận định tương đối lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay, IMF vẫn đưa ra rất nhiều cảnh báo.
Trong các báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới được công bố gần đây, hầu hết các thể chế tài chính lớn đều nhận định kinh tế thế giới đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái và có sự tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro về lạm phát, căng thẳng địa chính trị vẫn còn tương đối lớn.
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ - Ảnh: THX/TTXVN |
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), công bố hôm 16/04, cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhẹ so với dự báo đầu năm nay của tổ chức này.
3 điểm sáng kinh tế toàn cầu
Điểm sáng đầu tiên trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF là việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt mức 3,2% trong năm nay, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo được IMF đưa ra hồi tháng 1. Sang năm sau, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo cũng là 3,2%. Điểm sáng thứ hai trong báo cáo của IMF là lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Trên phạm vi toàn cầu, lạm phát được dự báo giảm từ 5,9% năm nay xuống 4,5% vào năm tới, nhờ việc hàng loạt các quốc gia trên thế giới duy trì lãi suất ngân hàng ở mức cao. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, mặc dù mức tăng trưởng dự báo của kinh tế toàn cầu năm nay và năm sau vẫn còn thấp hơn khá nhiều mức tăng trưởng trước đại dịch Covid-19 nhưng xét đến bối cảnh thế giới biến động trong hơn 2 năm qua, đó vẫn là một sự đáng khích lệ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas - Ảnh: AFP |
Ngoài ra, theo chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas, phần lớn thế giới đã vượt qua được những khủng hoảng lớn nhất trong vài năm qua: “Còn điểm sáng thứ 3, đó là chúng tôi nhận thấy phần lớn các khu vực trên thế giới đã ít lo ngại hơn về các cuộc khủng hoảng trong 4 năm qua là đại dịch và chi phí sinh hoạt. Các cuộc khủng hoảng này đã chấm dứt xu hướng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trước đại dịch và chúng ta vẫn đang ở mức thấp hơn khi đó, nhưng hiện chúng tôi nhận thấy nhiều khu vực đang thu hẹp khoảng cách, bắt kịp xu hướng tăng trưởng ngày trước”.
Về triển vọng tăng trưởng cụ thể của từng quốc gia và khu vực, IMF cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 2,7% năm nay, cao hơn dự báo 2,1% hồi tháng 1, nhưng sẽ chỉ đạt 1,9% năm sau. Trong khi đó, IMF đánh giá kém tích cực về tăng trưởng của Eurozone, khi dự báo khu vực này chỉ tăng trưởng 0,8% năm nay, thấp hơn mức dự báo tháng 1 (0,9%). Đặc biệt, IMF hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 Eurozone là Đức xuống 0,2%, từ mức 0,5% cách đây 3 tháng. Ngược lại, IMF nâng dự báo tăng trưởng năm nay của các nền kinh tế mới nổi, như: Brazil (2,2%, tăng 0,5 điểm phần trăm); Ấn Độ (6,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm), Nga (3,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm). Với Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 4,6% năm nay nhưng cho biết sẵn sàng nâng dự báo trước các số liệu lạc quan gần đây của kinh tế nước này.
Với nhiều nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á, IMF cũng đưa ra đánh giá tích cực. Điều này cũng phủ hợp với nhận định được Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao, ông Li Baodong, đưa ra tháng trước: “Đang có sự gia tăng các yếu tố bất ổn định của nền kinh tế các quốc gia châu Á, nhưng các nền kinh tế này cũng đã cho thấy sức phục hồi rất tốt. Báo cáo của Diễn đàn châu Á Bắc Ngao dự báo tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực vẫn duy trì xung lượng cao trong năm nay, với triển vọng tăng trưởng rất tốt với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Saudi Arabia và các nền kinh tế đang phát triển khác của châu Á”.
Rủi ro còn nhiều
Mặc dù nhận định tương đối lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay, IMF vẫn đưa ra rất nhiều cảnh báo. Theo IMF, lạm phát đang có xu hướng giảm tại hầu hết các quốc gia nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với nhiều dự báo trước đó, buộc các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao lâu hơn và điều này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Cảnh báo này phù hợp với nhận định được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jay Powell, đưa ra hôm 17/04, khi cho rằng chưa thể sớm hạ lãi suất tại Mỹ khi mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% lâu hơn dự kiến. Một khía cạnh khác của nền kinh tế Mỹ cũng có thể gây ra rủi ro cho kinh tế toàn cầu là thâm hụt ngân sách Mỹ. IMF dự báo trong năm sau thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới mức kỷ lục là 7,1% GDP của Mỹ, cao gấp hơn 3 lần mức trung bình 2% của những nền kinh tế phát triển khác. IMF nhấn mạnh tình trạng thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ra rủi ro đáng kể đối với tính toán chi tiêu cơ bản của các nền kinh tế khác cũng như sự ổn định tài chính toàn cầu.
Bất ổn địa chính trị toàn cầu, với các xung đột tại Ukraine, dải Gaza và nguy cơ leo thang căng thẳng Iran-Israel tại Trung Đông cũng tạo ra các rủi ro ngắn và trung hạn với kinh tế thế giới. Theo IMF, nếu có sự gián đoạn về nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông, giá dầu thế giới có thể tăng khoảng 15% và khi đó lạm phát toàn cầu sẽ tăng 0,7%. Ngoài ra, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, cũng nhấn mạnh đến rủi ro phân mảnh kinh tế toàn cầu: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị tổn hại bởi việc gia tăng phân mảnh địa kinh tế. Các mối liên kết thương mại đang thay đổi. Một số quốc gia có thể được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng tác động thực sự vẫn là sự suy giảm hiệu quả, khiến kinh tế toàn cầu kém vững vàng hơn, và gây ra thiệt hại lớn hơn đối với hợp tác toàn cầu”.
Chung nhận định về rủi ro phân mảnh kinh tế, trong Báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu, công bố hôm 11/04, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho biết từ năm 2018 thương mại song phương giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn 30% so với tăng trưởng thương mại của 2 quốc gia này với các nước khác trên thế giới, làm gia tăng lo ngại về sự chia cắt kinh tế trên phạm vi toàn cầu.