(VOV5) - Sự liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan và các đối tác trong ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên khăng khít.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm Vương quốc Hà Lan (từ 9 - 11/7) theo lời mời của Thủ tướng Mark Rutte. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển năng động, hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gạo- một trong những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam xuất sang Hà Lan. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Hà Lan là một quốc gia nhỏ bé nằm ven bờ biển Tây Âu. Ngành nông nghiệp nước này dù chỉ chiếm 1,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng Hà Lan lại xuất khẩu lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tại Hà Lan chú trọng yếu tố bền vững về môi trường và xã hội.
Trong khi đó, Việt Nam là một nước có lịch sử kinh tế gắn liền với nền nông nghiệp, với những thế mạnh tự nhiên về địa hình và khí hậu. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Việt Nam và Hà Lan đã trở thành đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu. Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: Thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý nước, nông nghiệp; năng lượng; kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.
Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững
Việt Nam và Hà Lan đều là những nước xuất khẩu nông nghiệp lớn trên thế giới và đều nằm ven biển với vị trí địa lý chiến lược. Là những nước có vùng đồng bằng lớn, Việt Nam và Hà Lan cùng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực quản lý nước nông nghiệp. Những năm qua, với kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ và kỹ năng, Hà Lan từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê. Hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất thịt, sản xuất khoai tây, công nghệ giết mổ…Hà Lan còn hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về nước cho lương thực và hệ sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, nuôi cá ngừ bền vững và tham gia các hiệp định thủy sản quốc tế. Hà Lan cũng giúp Việt Nam tiến hành nghiên cứu tổng thể đánh giá tác động tới môi trường của việc nuôi cá tra, cá basa tại khu vực ĐBSCL.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp giữa doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam hồi tháng 3/2017. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Để khai thác thế mạnh hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp tên tuổi của Hà Lan như ABC Logistic, Kooppert Biological, Hortimax… đã sang Việt Nam tìm kiếm đối tác. Các doanh nghiệp này mang đến Việt Nam những công nghệ cao, tiên tiến, giúp tăng giá trị gia tăng từ hạt giống đến món ăn chế biến
Dấu ấn của sự hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước được thể hiện rõ nét qua việc ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lượng thực năm 2014. Lãnh đạo 2 nước đánh giá hợp tác giữa Việt Nam – Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều bước tiến quan trọng và trong tương lai gần, mối quan hệ này càng có cơ hội phát triển hơn nữa khi sự liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan và các đối tác trong ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên khăng khít.
Đưa hợp tác Việt Nam-Hà Lan về ứng phó biến đổi khí hậu thành hình mẫu
44 năm qua, từ quan hệ đối tác thông thường, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010. Đến nay, hai bên đã tổ chức 6 phiên họp Ủy ban liên Chính phủ trong lĩnh vực trên. Tại phiên họp lần thứ 6 diễn ra ở Hà Lan tháng 4/2017, hai bên đã trao đổi về phương hướng hợp tác, cập nhật và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Việt Nam và Hà Lan nhất trí triển khai các dự án cụ thể, phương án tài chính cho Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, thích ứng với biến đổi khí hậu”; trao đổi về việc triển khai dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050; đánh giá triển vọng của Chương trình dữ liệu địa lý về nước và nông nghiệp tại Việt Nam.
Một phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. (Nguồn: TTXVN) |
Hợp tác để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh ở cấp địa phương. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp đã hợp tác với các địa phương Hà Lan trong lĩnh vực đô thị xanh; cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải; quản lý nước tích hợp, biến đổi khí hậu và quản lý nguy cơ lũ lụt liên quan tới khu vực sông Hồng. Cùng với đó là hợp tác về quy hoạch thành phố tổng thể, quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và giao thông thông minh…
Hiện nay Việt Nam mong muốn Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn vốn và các công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách như chống khô hạn, mặn xâm nhập, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển.
Chuyến thăm Hà Lan lần này của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc góp phần củng cố quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mở ra cơ hội hợp tác mới trong nông nghiệp nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước đưa việc hợp tác trong lĩnh vực này trở thành hình mẫu tiêu biểu cho hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.