(VOV5) - Sự hiện diện của Thủ tướng N.Modi tại Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất trong khu vực ASEAN.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày. Những kết quả nổi bật của chuyến thăm, đặc biệt với việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, tạo đà cho quan hệ hai bên phát triển lên một tầng nấc mới.
|
Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish tại cuộc họp báo |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam sau 15 năm. Sự hiện diện của Thủ tướng N.Modi tại Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất trong khu vực ASEAN. Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí nâng quan hệ lên từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này phản ánh mối quan hệ hiệu quả, thực chất giữa hai nước sau gần 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong chuyến thăm, đã có 12 văn bản, thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa hai nước được ký kết trong các lĩnh vực khai thác vũ trụ, y tế, công nghệ thông tin, an ninh mạng, đóng tàu…. Thủ tướng Modi cũng công bố khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Và một trong những mục tiêu hợp tác là đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước đạt 15 tỷ USD: “Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển mạnh. Trong quá trình Việt Nam phát triển kinh tế, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, khuyến khích tinh thần kinh doanh, thúc đẩy nền tảng khoa học kỹ thuật, tăng cường năng lực xây dựng thể chế, nỗ lực để xây dựng một quốc gia hiện đại, thì Ấn Độ, với 1,25 tỷ người dân, sẽ luôn sẵn sàng là đối tác và người bạn của Việt Nam trên con đường này”.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục khẳng định phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông, trên cơ sở các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện nhằm phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ, phù hợp với lợi ích cơ bản lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ tại diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN và các diễn đàn liên quan. Chúng tôi cũng trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông và tái khẳng định mong muốn quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các bên cần giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng N. Modi đã đạt được những kết quả nổi bật. Chuyến thăm càng có ý nghĩa hơn khi hai nước đang hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2017. Sau gần 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang bước vào thời kỳ mới, sâu rộng và hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước.