(VOV5) - Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, cần chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo.
Hôm qua (29/08), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Được thành lập năm 1905, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô. Ảnh: TTXVN |
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, cần chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế. Cùng với đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; có tư duy sắc bén, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển. Đồng thời, đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.
Để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, Chỉ thị đã đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành và các địa phương.
Trong đó, 1 số nhiệm vụ trọng tâm, như: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên các chính sách về ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số… nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế.