(VOV5) - Tổng bí thư đề nghị ngành ngoại giao cần theo sát diễn biến, đánh giá đúng tình hình thế giới để tránh bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12” khai mạc sáng nay (13/8) tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường Trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Bộ Công an Thượng tướng Tô Lâm; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương, các nguyên lãnh đạo, cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hơn 300 lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp để kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong 2 năm qua kể từ Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng: “Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29. Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.”
Tham luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban đối ngoại quốc hội đều khẳng định công tác đối ngoại thời gian qua đã có sự phối hợp nhịp nhàng trên tất cả các mặt trận: ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nghị viện, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 đối tác, thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong Liên hợp quốc, các tổ chức đa phương, quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những thành tựu đối ngoại quan trọng đạt được trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực của công tác đối ngoại trong hai năm qua đã góp phần tạo nên không khí phấn khởi, tự hào, tin tưởng và đồng thuận của nhân dân, các cấp, các ngành vào thế đi lên của đất nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến nhanh, phức tạp và hết sức khó lường, ngành ngoại giao không thể chủ quan, tự mãn mà phải không ngừng nỗ lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta tuyệt nhiên không được tự mãn với những kết quả đã đạt được, bởi trước mắt chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Tôi đề nghị kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những thành tựu kể trên, để xem chúng ta có bỏ lỡ hay không tận dụng triệt để cơ hội nào không? Trong quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những điểm nghẽn nào cần tháo gỡ? Các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được hiệu quả tương xứng với tên gọi hay không? Nhận định của Đại hội Đảng 12 là tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng khó lường đến nay vẫn nguyên giá trị. Do vậy cần theo sát diễn biến, đánh giá đúng tình hình để tránh bị động bất ngờ trong mọi tình huống.”
Trên cơ sở gợi mở một số hướng cho Hội nghị ngoại giao, Tổng bí thư yêu cầu ngành ngoại giao xem xét 8 định hướng trong thời gian tới. Theo đó ngành tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại; Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ vì lợi ích quốc gia dân tộc; Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước, nâng tầm công tác đối ngoại đa phương; Đưa quan hệ với các nước láng giềng và truyền thống đi vào chiều sâu hiệu quả; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có hiệu lực, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; Nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ ngành địa phương nhất là quốc phòng an ninh.
Đặc biệt nhấn mạnh đến công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nươc láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị kinh tế văn hóa trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0. Trong trung và dài hạn, phải lường trước được các kịch bản về thay đổi trật tự thế giới, khu vực, phải chuẩn bị sẵn kế hoạch ứng phó, nhận thức rõ những điểm mạnh, yếu của mình trong tình hình mới, để hoạch định chiến lược, chính sách cho phù hợp
Cuối cùng, Tổng bí thư cũng lưu ý đặc biệt đến công tác xây dựng ngành, yêu cầu ngành ngoại giao phải chú trọng xây dựng bộ máy và đào tạo công tác cán bộ, đào tạo ra những cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với nhân dân, lấy lợi ích quốc gia của chế độ làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Tổng bí thư tin tưởng trong thời gian tới, dù đối mặt với nhiều thách thức, các thế hệ cán bộ đối ngoại tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, tiếp tục đưa đất nước đạt nhiều thành tựu mới.