(VOV5) - Hai Nhà Lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hôm nay (27/7), hai bên ra Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Italy. Tuyên bố nhấn mạnh đây là chuyến thăm cấp Nguyên thủ đầu tiên giữa hai nước trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy.
Trong tuyên bố chung, hai Nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italy thông qua duy trì hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, như: chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella.
Ảnh: TTXVN |
Hai bên nhất trí coi hợp tác quốc phòng, an ninh là các trụ cột quan trọng của quan hệ song phương. Việt Nam sẽ tích cực xem xét việc đón tàu hải quân Italy thăm cảng Việt Nam phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, quy định của Việt Nam và điều kiện thực tiễn. Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng tiến hành đào tạo chuyên ngành về gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, công nghiệp quốc phòng, an ninh và an ninh hàng hải. Về hợp tác an ninh, hai Nhà Lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và thủy đạc.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển, Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên cam kết tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD. Phía Italy ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC trong việc xử lý vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Italy tái khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, phát triển thể chế và đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – Liên minh châu Âu; nhất trí tiếp tục phối hợp để duy trì đối thoại và hợp tác Á-Âu. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực thi một cách thiện chí và có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Hai Nhà Lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.