(VOV5) - Tất cả các quốc gia cần phải tăng cường năng lực, sẵn sàng chuẩn bị một cách tốt nhất với các đại dịch trong tương lai.
Hôm qua (28/05), Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA77) khai mạc tại Geneva (Thụy Sỹ). Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu, tích cực đóng góp, thảo luận tại khóa họp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu. Ảnh: TTXVN
|
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, đại dịch COVID-19 cho thấy nhiều quốc gia chưa chuẩn bị tốt cho việc ứng phó với quy mô dịch trên toàn cầu. Vì vậy, tất cả các quốc gia cần phải tăng cường năng lực, sẵn sàng chuẩn bị một cách tốt nhất với các đại dịch trong tương lai. Bên cạnh đó, các nước cũng cần hợp tác, cùng hành động để giảm thiểu những mối đe dọa an ninh y tế toàn cầu và có thể ứng phó một cách nhanh chóng, hiệu quả với tất cả những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra, đặc biệt là các mối đe dọa về y tế liên quan đến biến đổi khí hậu. Tại WHA77, Việt Nam kêu gọi các nước cùng nhau hành động, cùng nhau hợp tác, qua đó hướng đến việc tiếp cận công bằng trong dịch vụ y tế, thuốc, vaccine hay sinh phẩm.
Đánh giá về các nội dung được thảo luận tại WHA77, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liệp hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cho biết WHA77 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong khuôn khổ WHA77, các nước sẽ xem xét thông qua Văn kiện quốc tế mới về đại dịch và Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sửa đổi. Nội dung của cả hai văn kiện đều bao gồm các điều khoản về tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thúc đẩy khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất và sản phẩm phòng chống dịch bệnh.
Nếu những văn kiện này được thông qua, đây sẽ là bước đột phá của hệ thống y tế toàn cầu trong công tác ngăn ngừa và ứng phó với dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp. Trong hơn 2 năm qua, phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã theo dõi chặt chẽ hai tiến trình này, đóng góp ý kiến, góp phần phát huy tiếng nói của các nước đang phát triển cho nội dung đàm phán văn kiện.