Hồ Tây trong đời sống tinh thần người Hà Nội Tô Tuấn -   28 Tháng Chín 2014 | 17:11:49 (VOV5) - Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Vẻ đẹp của hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội, nơi gặp gỡ, ghi dấu kỷ niệm của biết bao người Hà Nội, nơi níu chân du khách mỗi lần đếm thăm thủ đô. Hồ Tây nhìn từ trên cao (Ảnh: internet) Nghe nội dung chi tiết tại đây: Hồ Tây là hồ nước tự nhiên nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, có đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Những tư liệu lịch sử cho thấy cách đây hàng nghìn năm, hồ Tây là đoạn sót lại do dòng sông Hồng chuyển dòng mà thành. Hồ Tây từng có nhiều tên gọi như: hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên gọi đều gắn với sự tích về nguồn cội của hồ Tây huyền thoại. Phía Tây hồ Tây ngày nay vẫn còn dấu vết nhiều làng cổ. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một huyền tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan". Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với vườn hoa đào nổi tiếng...Có một nơi mà nhiều du khách muốn tới thăm là chùa Trấn Quốc. Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất VN, có từ thế kỷ VI thời Lý Nam Đế. Hoà Thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết: “Vào năm 541-548 khởi đầu được gọi là chùa Khai Quốc, chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê( TK 17) thì chuyển vào đây. Trước đây nơi này được gọi là bãi cá vàng, mà vua chúa thời xưa du xuân,du thuỷ, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử 1440 năm. Với thủ đô, đây là ngôi chùa cổ nhất, do vậy chúng tôi tích cực hành đạo, thuyết giảng làm sao để các Phật tử lắng nghe phụng sự đạo pháp dân tộc, noi gương các tiên tổ, nguyện hết sức bảo vệ di tích vật thể này ngày càng tốt hơn”. Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hoá lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây. Với nhiều du khách, điều thích thú nhất là được tham quan hồ Tây bằng xe điện chạy quanh hồ. Ông Nguyễn Quang Lộc, nhà ở Quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói hồ Tây rộng, chứ chưa đi hết. Nhưng nay đi xe điện quanh hồ tôi biết thêm nhiều điều, hiểu thêm các làng nghề, các di tích, đình, chùa xung quan hồ Tây”. Hồ Tây ngày nay còn là lá phối xanh của thành phố. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, mà còn là vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc tím của hoa bằng lăng, vẻ rực rỡ của những cánh hoa phượng hồng mỗi độ hè về. Mặt nước hồ luôn phảng phất những làn gió mát, khiến tâm hồn con người thêm thư thái. Với không gian như thế, hồ Tây thực sự là nơi đến thư giãn của nhiều người Hà Nội. Mỗi sáng tinh mơ, hay khi hoàng hôn xuống nhiều người thích dạo quanh hồ để hít thở không khí trong lành hay tập thể dục rồi trở về nhà. Nhưng lúc chiều tà hay khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc hồ Tây trở thành nơi gặp gỡ bạn bè, người thân, nơi hẹn hò, lưu giữ kỷ niệm tình yêu của bao người. Có người tìm cho mình một góc ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem hay vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay trên du thuyền vui cùng bạn bè trong những ngày lễ hội. Như một điểm đến lý tưởng, hồ Tây trở thành nơi gắn bó đời sống tinh thần của người Hà Nội./. Tô Tuấn Xem/nghe nhiều Kiều bào trẻ hiện có thế mạnh về khoa học, công nghệ cho phát triển (VOV5) - Trong nhiệm kỳ khóa X này, Mặt trận tổ quốc Việt Nam mở rộng diện ủy viên, trong đó có những người rất trẻ đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tin liên quan Hồ Gươm, trái tim của thủ đô Rồng bay Khám phá kiến trúc Hà Nội qua “Song xưa phố cũ” Phản hồi Gửi đi Các tin/bài khác Hà Nội tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long Dự án Nhà hát Hồ Tây – Điểm nhấn văn hóa giữa lòng thủ đô Hà Nội hiện thực hóa sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO