Dự án Nhà hát Hồ Tây – Điểm nhấn văn hóa giữa lòng thủ đô

(VOV5) - Công trình nhà hát mang kiến trúc hiện đại với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây, kiến tạo như một “hòn đảo âm nhạc”.

Mới đây,  thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ vừa thông tin đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó điểm nhấn nổi bật nhất là một nhà hát Opera được xây dựng nổi trên hồ Đầm Trị, trong quần thể Hồ Tây. Công trình nếu được hoàn thành sẽ là công trình mang tầm quốc tế, tạo điểm nhấn văn hóa và nâng tầm vị thế thủ đô.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Dự án Nhà hát Hồ Tây – Điểm nhấn văn hóa giữa lòng thủ đô  - ảnh 1Phối cảnh nhà hát Hồ Tây có kết cấu vỏ mỏng và hiệu ứng ngọc trai - Ảnh: TTXVN
Đồ án quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ tỷ lệ 1/500, với diện tích hơn 77 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và phường Tứ Liên. Theo đó, bán đảo Quảng An sẽ hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, đảm bảo cảnh quan đảm, đáp ứng yêu cầu phục vụ cộng đồng, kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, nổi bật là công trình nhà hát có quy mô hơn 13.000 m2 với khán phòng opera với sức chứa hơn 1.800 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 – 2.000 chỗ ngồi) phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn. Nhà hát do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italia Renzo Piano thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, thuộc quần thể Hồ Tây.

Theo Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: "Hà Nội hiện có 20 nhà hát, nhưng đều với quy mô nhỏ chỉ từ 100 đến hơn 800 chỗ ngồi. Công trình Nhà hát Hồ Tây ra đời không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật quy mô lơn mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Thực trạng các nhà hát biểu diễn ở Hà Nội đã cũ, không đáp ứng được việc biểu diễn nghệ thuật trong thời điểm này. Ví dụ ở Nhà hát lớn cũng đã hàng trăm năm tuổi, gần đây tôi diễn vở Sóng ở đó tôi có ý tưởng đưa dàn nhạc semi classic biểu diễn nhưng dàn nâng ở đó quá cũ, biểu diễn không an toàn nên cũng phải bỏ ý tưởng đó".

Theo quy hoạch, bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ. Bên trong nhà hát, một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt hay bảo tàng, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Điêu khắc gia Trần Đức Sỹ, Hội Mỹ thuật Hà Nội, người có nhiều công trình biểu tượng lớn trong và ngoài nước, cho biết: "Ở Việt Nam và đặc biệt thủ đô Hà Nội cần có một không gian biểu diễn âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế, xu hướng là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch cũng phải có quy hoạch tổng thể, với quy mô để khi có những chương trình mang tầm quốc tế có thể đáp ứng phục vụ được".

Theo quy hoạch chung năm 1992 của thành phố Hà Nội và quy hoạch Hồ Tây năm 1994, đến quy hoạch chung Thủ đô năm 1998 đều khẳng định trục không gian của Hà Nội từ phía tây Hồ Tây và từ Cổ Loa- sông Hồng điểm kết nối là bán đảo Hồ Tây sẽ xây dựng công trình văn hóa, nhà hát, bảo tàng. Năm 2011 khi Hà Nội điều chỉnh lại địa giới đã khẳng định lại khu vực này sẽ xây dựng một nhà hát đa năng. Tuy nhiên, để triển khai dự án cần phải thận trọng, cân nhắc để công trình thực sự phát huy hiệu quả, xứng tầm biểu tượng văn hóa thủ đô. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc thành phố Hà Nội, khẳng định: "Gần 30 năm nay đã khẳng định khu vực bán đảo Quảng An sẽ xây dựng công trình văn hóa. Vì vậy vị trí là phù hợp, bây giờ chỉ là tái khởi động lại. Vị trí hợp lý nhưng bản thân công trình phải mang tính biểu tượng cao, có chức năng hợp lý với khu vực điều này cần nghiên cứu kỹ hơn nữa, đặc biệt là phải phát huy cảnh quan thiên nhiên, chứ không phải lợi dụng khai thác cảnh quan này".

Năm 2017, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể lập quy hoạch khu vui chơi, giải trí tại khu vực Hồ Tây, trong đó xây dựng nhà hát quy mô lớn tiêu biểu cho một Thủ đô văn minh hiện đại. Việc thi công nhà hát được tiến hành trên cơ sở đảm bảo không lấp hồ, không ảnh hưởng đến bề mặt nước hồ góp phần bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan khu vực Hồ Tây, hồ Đầm Trị. Quy hoạch cũng sẽ kết nối không gian ngầm đô thị với hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố.

Dự án Nhà hát Hồ Tây – Điểm nhấn văn hóa giữa lòng thủ đô  - ảnh 2Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: "Nhà hát ở hồ Đầm Trị chính là điểm kết nối trục văn hóa Hồ Tây- Ba Vì với Hồ Tây - Cổ Loa. Nhà hát đã được thống nhất về chủ chương từ quy hoạch tổng quan đến chi tiết đã dược Thủ tướng phê duyệt. Nếu vùng văn hóa sâu đậm đặc sắc đầy hấp dẫn khai thác du lịch văn hóa Hồ Tây, có thêm một nhà hát vào đấy thì đó là một kết nối tuyệt vời".

Sau 30 năm quy hoạch “treo”, hiện tại khu vực Quảng An đã diễn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, với những công trình nhếch nhác, mất mỹ quan, làm lãng phí tiềm năng khu vực đất “vàng” trung tâm Hồ Tây, trung tâm Hà Nội. Đây là thời điểm kịp thời để xây dựng một không gian văn hóa hiện đại tại khu vực Hồ Tây.

Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia, không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch của điểm đến. Công trình nhà hát mang kiến trúc hiện đại với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây, kiến tạo như một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh hồ Tây thơ mộng, sẽ hiện thực hóa khát vọng của người dân Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại. Công trình sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa hàng đầu thế giới, nơi có thể thu hút giới nghệ sĩ khắp năm châu bốn biển đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, “hòn đảo âm nhạc” này không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác