(VOV5) - Với những người lính biển chúng tôi đã gặp trong hành trình thăm quần đảo Trường Sa, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau nhưng họ cùng chung ý chí coi biển là quê hương. Các anh đã và đang quyết tâm bám biển, bám đảo bất chấp những hiểm nguy, gian khó rình rập.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tại trung tâm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, vào những đêm trăng rằm hàng tháng, tàu thuyền ngư dân vào ra tấp nập. Anh Dương Đình Vinh, nhân viên của trung tâm cho biết có thời điểm cả trăm chiếc cùng neo đậu một lúc trong khu vực đảo mà anh em quen gọi là “lòng hồ”. Bà con tạt vào đây có khi là để tránh trú bão cũng có khi là tiếp thêm nhiên liệu để tiếp tục bám biển. Đúng như tên gọi của nó, cứ đến trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, bà con được phục vụ mọi mặt từ dầu chạy tàu, đến lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm như gạo, nước ngọt, đá cây... Anh em trong nhà dịch vụ hậu cần còn tổ chức sửa chữa miễn phí máy móc hư hỏng cho bà con. Là tổ trưởng tổ cơ khí, anh Dương Đình Vinh tâm sự trong các sự cố máy móc thì mất bánh lái và mất chân vịt là sửa khó nhất. Khi đó, các anh cùng ngư dân phải tháo ra rồi đưa lên trạm khắc phục cho bà con. Có trường hợp tàu anh Nguyễn Hồng Hạnh, ở Quảng Ngãi bị mất bánh lái từ đảo Đá Lát, phải mất một ngày mới lai dắt về tới đảo Đá Tây. Tại đảo, đúng thời điểm đó lại không có vật liệu thay thế, các anh đành phải dùng những mảnh tôn để làm lại bánh lái để cho tàu anh Hạnh trở về được đất liền.
|
Anh Dương Đình Vinh trong khu vực sửa chữa máy móc. |
Anh Dương Đình Vinh bắt đầu đi biển từ năm 2003, trước đây anh ở trong đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, sau này mới chuyển sang dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. Đã có thâm niên đi biển xa, hiểu những khó khăn của bà con làm nghề chài lưới trong lộng, ngoài khơi nên anh cũng như các anh em trong trạm rất thương ngư dân: “Đảo luôn luôn sẵn sàng đón nhận bà con để phục vụ, làm tất cả những việc mình làm được thì mình sẽ hết lòng giúp đỡ bà con ngư dân để bà con an tâm bám biển được lâu dài”.
Cũng tại đảo Đá Tây, chúng tôi gặp anh Phan Văn Hóa thuộc Đội nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Hải sản Trường Sa vừa đi thăm lồng cá về, cánh tay áo vẫn còn ướt dính nước biển. Vượt ngàn khơi ra đảo, công việc của anh Hóa là nuôi cá. Các loại cá chủ yếu được nuôi ở đây là cá chim, cá chẽm, cá hồng.
|
Anh Phan Văn Hóa tại đảo Đá Tây |
Tùy theo thời tiết, sau 6 tháng là đến thời kỳ thu hoạch. Những loại cá này mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo anh Hóa vẫn có những khó khăn nhất định khi nuôi cá lồng ngoài biển: “Khó khăn nhất là sóng gió, bão bùng. Sóng gió lớn thì rất vất vả, gian truân khi đi chăm cá và bảo vệ lồng bè nổi nuôi ở ngoài kia”.
Khó khăn là thế nhưng hàng năm sản lượng thu hoạch ba loại cá của công ty hải sản Trường Sa cứ đều đều xấp xỉ 6.000 con.
Chúng tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với các anh em công binh đang làm nhiệm vụ ngoài đảo. Có tận mắt chứng kiến mới thấy thi công ngoài đảo xa khó gấp trăm nghìn lần so với trong bờ. Tất cả máy móc, vật liệu xây dựng đều phải chuyên chở từ đất liền. Chỉ nêu một ví dụ đơn giản. Thi công ở biển mặt bằng không có, không thể mang máy trộn bê tông lớn mà chỉ là các máy trộn cơ động. Ngay cả những máy trộn có dung tích nhỏ trong quá trình vận chuyển ra đảo cũng phải tháo rời. Theo trung tá Nguyễn Đức Huấn, thuộc trung đoàn 131, quân chủng Hải quân, việc bảo quản vật liệu cũng cần phải lưu ý: “Cơ bản các vật tư vật liệu cũng như ở trong đất liền. Có 1 số cái mình thi công ở đây phải lưu ý là dễ bị nhiễm mặn nên phải bảo quản vật tư vật liệu không bị nhiễm mặn. Cái thép này là mình phải mạ kẽm từ trong đất liền đưa ra. Thi công ở đây cường độ mác bê tông yêu cầu phải cao hơn trong đất liền”.
|
Trung tá Nguyễn Đức Huấn |
Anh Vũ Kim Bảo, 40 tuổi là nhân viên thi công công trình đèn biển trên đảo Nam Yết cho biết anh chuyên thực hiện việc chuẩn bị sắt thép và cốt pha cho công trình. Khi thi công phải tuân thủy đúng theo hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng, kết cấu công trình. Vì là thi công dưới mặt nước biển nên phải lựa theo con nước thủy triều, chờ nước cạn mới tiến hành thi công. Nói về mục đích xây dựng công trình đèn biển này, anh Đặng Ngọc Sâm, chỉ huy trưởng công trình nhà đèn tại đảo Nam Yết cho biết: Công trình đèn biển xây dựng lên để báo hiệu ánh sáng cho các tàu qua lại biết vị trí của đảo Nam Yết từ xa. Đèn này có tầm nhìn xa 22 hải lý. Anh bày tỏ: “Trong công việc, anh em làm xây dựng ngoài đảo rất vất vả. Ra đây hiểu biết thêm điều kiện cuộc sống khó khăn ở ngoài đảo. Với trách nhiệm và công việc của mình phụ trách, tôi chỉ cố gắng làm sao làm việc cho tốt hơn, làm sao hoàn thành tốt công việc mà đơn vị đã giao phó cho mình”.
Chúng tôi được anh Sâm dẫn đi xem khu vực đang thi công nhà đèn đảo Nam Yết. Chiếc đế móng vừa được xây dựng. Chỉ sau vài tháng, tính từ thời điểm tháng 4 năm 2012 khi chúng tôi ra thăm, chiếc đèn biển đảo Nam Yết sẽ sừng sững vươn cao với trời mây, tỏa ánh sáng dịu mát xuống biển đêm đen thẫm, hướng dẫn cho tàu lưu thông trên biển an toàn.
Chia tay biển, trở về với đất liền, tôi vẫn nhớ như in nụ cười giòn khoe hàm răng trắng lóa nổi bật trên khuôn mặt đen xạm của người công binh yêu đời Trần Văn Huy và câu nói đầy dũng mãnh của anh lính hải quân Nguyễn Sách Đạt: “Biển là một phần máu thịt của đất nước nên mình phải yêu nó. Xác định đây là nhiệm vụ nên chúng tôi chấp nhận hi sinh để bảo vệ vùng biển này”./.
Lan Phương