(VOV5) - Đổi mới giáo dục đại học luôn là một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của người dân. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi hiện nay có thực trạng nhiều cử nhân ra trường không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn, ngành nghề đã học. Cá biệt, có người giấu bằng đại học, quay trở lại học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông…Chương trình hôm nay, Giáo sư- tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ một số ý kiến về việc đầu tư đúng hướng và bảo đảm chất lượng giáo dục- đào tạo hiện nay.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, theo ý kiến của ông thì những vấn đề đáng chú ý trong đổi mới giáo dục- đào tạo hiện nay tại Việt Nam là gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy là trong thời gian những quy định về thành lập trường cũng đã được dần dần hoàn thiện. Đây là những quy định về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong nước, rồi về một số tiêu chuẩn thành lập trường, trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng đào tạo. Sinh viên của Việt Nam trước hết cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới. Và có thể nói đấy là điều mà mình cần phải đánh giá cao. Nhưng mà trên thực tế, số lượng cho phép thành lập, nâng cấp các trường trong thời gian vừa qua theo đánh giá chung là quá lớn. Việc mở ra nhiều trường đại học, mở nhiều ngành mới, và số lượng thí sinh tăng lên rất nhiều, nhưng việc cho nâng cấp trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học trong thời gian vừa qua tạo ra những trường trung cấp non, cao đẳng non...và như thế không có lợi gì cho việc đào tạo nhân lực.
Phóng viên: Ý kiến của ông về việc xây dựng một số trường đại học điểm mang đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay có cơn sốt ở nước ta là chạy theo đẳng cấp quốc tế. Phải nói rằng cái quan trọng hơn là làm thế nào đào tạo ra được nhân lực nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay, an ninh quốc phòng hiện nay. Nó cần những năng lực gì thì đáp ứng cái đã. Mình không vội chạy theo đẳng cấp quốc tế, rồi xếp hạng...Mình phải chọn lựa một số trường tôi lấy ví dụ như là Đại học quốc gia, Đại học bách khoa, Đại học Y Hà nội, Đại học Nông nghiệp Hà nội...Đây là những trường rất có truyền thống. Mình đầu tư vào các trường đại học đó, tạo một đầu tàu kéo các trường đại học khác lên. Hơn là bây giờ mình đi vay 4-500 triệu đô la nước ngoài để xây dựng 4-5 trường để làm hình mẫu cho các trường trong nước. Tôi không tin là có thể trở thành mẫu hình được.
Phóng viên: Xu thế hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học đang là tất yếu, như vậy, theo ông, những hình thức hợp tác nào là phù hợp đối với giáo dục đại học Việt Nam?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cái hợp tác quốc tế phải đến một cách tự nhiên. Và chính các trường của mình, nhất là những trường tôi vừa nhắc, người ta đã phát triển đến trình độ cao rồi. Họ phát triển quan hệ quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo đổi mớì cung cách làm việc của mình. Việc thứ 2 là mời các chuyên gia nước ngoài, mời anh em Việt kiều ở về làm cố vấn, cải tổ cải cách chương trình..
|
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết |
Rồi thì dựa vào một số trường tiên tiến để xây dựng chương trình. Ví dụ một số môn như lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ học...chắc chắn mình có thể dựa vào giáo trình học của nước ngoài. Một vấn đề nữa để đảm bảo chất lượng đào tạo thì mình sẽ phải có một hệ thống kiểm định chất lượng, thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng đẩy nhanh quá trình tự kiểm định và kiểm định ngoài của xã hội để đánh giá các trường.
Phóng viên: Theo ông, cần có sự đầu tư ở mức độ nào để góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới nền giáo dục của đất nước?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quan điểm của tôi là phải thực hiện một loại là giáo dục bắt buộc, một loại là giáo dục lựa chọn. Cụ thể đây là trường học trung học cơ sở, sau này là mẫu giáo 5 tuổi, thì nhà nước nên đầu tư nhiều và nên tiến tới miễn học phí cho các bé lớp trung học cơ sở và giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi. Còn đối với giáo dục từ trung học phổ thông, giáo dục đại học cũng chỉ chi vừa phải thôi, phải có sự chia sẻ giữa người học với nhà nước. Và trước mắt không nên tăng quy mô nhiều. Một điều quan trọng nữa là sự chia sẻ của các tổ chức xã hội, chứ không chỉ là nhà nước cộng với người đi học. Bởi nếu các tổ chức xã hội có thể nhìn thấy hiệu quả thì họ sẽ đầu tư.
Xin cảm ơn ông.