Du học sinh ở Mỹ với Thư viện sách sống - Human Library lần đầu tiên tại Việt Nam

(VOV5) - Vào hai ngày 30 và 31/7 tới, lần đầu tiên một thư viện sách sống sẽ được giới thiệu tại Việt Nam. Dự án này do Lê Anh Thư, du học sinh tại Mỹ sáng lập, với mong muốn có thể chia sẻ câu chuyện của các “đầu sách” – chính là cuộc đời của những người có số phận “đặc biệt” nhằm góp phần nâng cao nhận thức về định kiến xã hội, cũng như mang lại một tầm nhìn toàn diện và cởi mở hơn cho cộng đồng về những vấn đề nóng hiện nay. Phóng viên VOV5 phỏng vấn Lê Anh Thư, trưởng ban tổ chức của dự án Human Library – thư viện sách sống về dự án này.

Du học sinh ở Mỹ với Thư viện sách sống - Human Library lần đầu tiên tại Việt Nam - ảnh 1
Lê Anh Thư - sáng lập viên,trưởng ban tổ chức của dự án Human Library

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



PV: Chào Anh Thư, được biết hiện tại bạn đang học năm thứ 2 Trường Oberlin College chuyên ngành nghiên cứu về phụ nữ, tình dục và giới tính. Có thể nói đây là một ngành rất mới mẻ tại Việt Nam!


Lê Anh Thư:
Từ nhỏ tôi đã có sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến giới tính, và tôi nhận ra là phụ nữ nói riêng cũng như những nhóm người yếu thế nói chung gặp khác nhiều định kiến và phân biệt. Đó là lý do tôi chọn ngành học khá là đặc biệt thế này, và hy vọng là sau khi học xong có thể trở lại Việt Nam và làm các công tác xã hội để góp phần xóa lùi các định kiến và sự phân biệt liên quan đến giới tính và các vấn đề khác.

PV:
Và đồng thời bạn cũng là sáng lập viên của dự án thư viện sách sống đầu tiên tại Việt Nam?

Lê Anh Thư:
Dự án này bắt đầu từ Đan Mạch từ năm 2000. Khi học ở Mỹ tôi đã tham gia thư viện sách sống này trong 2 năm và tôi thấy dự án này rất có ý nghĩa, và mùa hè này tôi quyết định đem dự án này về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Human Library được tổ chức tại Việt Nam. Dự án này tập trung vào nhóm những người yếu thế như những người thuộc giới tính thứ ba, phụ nữ, những người tàn tật, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần… Chúng tôi cho họ một không gian để họ chia sẻ, nói lên câu chuyện của mình. Thư viện sống này có điều đặc biệt là không có một quyển sách giấy nào cả, mà tất cả những đầu sách ở đây đều là người thật, và những người đọc thực ra là những người lắng nghe. Và những người tham dự sẽ đến đó, nói chuyện và trao đổi với những đầu sách – là những con người thật với hoàn cảnh thật, với những câu chuyện thật để lắng nghe họ, thấu hiểu họ hơn và có cái nhìn bao dung, độ lượng hơn về những vấn đề này.

Du học sinh ở Mỹ với Thư viện sách sống - Human Library lần đầu tiên tại Việt Nam - ảnh 2

PV:
Cụ thể với mô hình sách sống này, bạn đã triển khai thế nào tại Việt Nam?

Lê Anh Thư: Hiện tại tôi đã triển khai gần xong, và hai ngày đọc sách 30 và 31/7 tới sự kiện sẽ diễn ra tại Trường Đại học Lao động với khoảng 15 đầu sách mỗi ngày. Chủ đề sẽ rất đa dạng, như những người bị bệnh về tâm thần, những người có chứng tự hoại, hay những phụ nữ phải hành nghề mại dâm do điều kiện đưa đẩy… 
Sách sống ở đây là những con người thật. Và để có thể tìm những người với những hoàn cảnh khó khăn như thế, chúng tôi đã tìm đến những tổ chức, các trung tâm và sự giúp đỡ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau khi đã tìm được các nguồn sách – những con người như vậy, tôi đã trực tiếp trò chuyện với họ, lắng nghe câu chuyện của họ, thấu hiểu họ hơn để họ có lòng tin vào chúng tôi, và để họ thấy rằng nếu họ cất lên tiếng nói của mình cho những người khác cùng nghe thì hoàn cảnh của họ có đỡ nhọc nhằn, đỡ vất vả hơn không. Và nhiều người trong số họ đã đồng ý trở thành những đầu sách sống của chúng tôi. Trong hai ngày đọc sách sắp tới, họ sẽ có những cuộc chia sẻ ngắn từ 15-20 phút với nhóm 4 người trở xuống để đảm bảo tính thân mật và tương tác cao. Mỗi người đọc sẽ có cơ hội đọc rất nhiều đầu sách với những chủ đề khác nhau. Chúng tôi hy vọng qua quá trình này người chia sẻ có thể nói lên tiếng lòng của mình, khiến lòng mình bớt nặng hơn với những vấn đề khó khăn như vậy, và người đọc có cái nhìn bao dung, thấu hiểu hơn. Chúng tôi hy vọng có thể thu hút được hàng trăm người đọc cho những buổi đọc sách này.

PV:
Đây là một hình thức rất mới mẻ tại Việt Nam. Vậy quá trình chuẩn bị cho buổi đọc sách này có gặp khó khăn gì không?

Lê Anh Thư: Thực sự rất khó khăn. Thứ nhất là vì mô hình quá mới nên việc giải thích cho mọi người hiểu là cả vấn đề rồi. Và sau khi hiểu, mọi người lại nghi ngờ rằng mô hình này có thực tiễn hay không, và khả năng thực hiện tại Việt Nam là bao nhiêu? Và sau khi những khó khăn ban đầu đó qua rồi, thì việc thuyết phục các “đầu sách” chia sẻ cũng rất khó… Vạn sự khởi đầu nan! Tuy đây là lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, chúng tôi hy vọng có nguồn ủng hộ nhất định để có động lực tiếp tục trong những năm tới.

- Xin cảm ơn Lê Anh Thư!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác