Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo đà để đất nước phát triển

(VOV5) - Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu là nội dung được rất nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Là Phó tổng giám đốc tập đoàn Hương Sen chuyên sản xuất đồ uống ở tỉnh Thái Bình, đồng thời là Ủy viên Ủy ban khoa học và công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Đỗ Văn Vẻ có nhiều ý kiến tâm huyết tới vấn đề này.


Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo đà để đất nước phát triển - ảnh 1
Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Vẻ phát biểu tại phiên họp quốc hội

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:



Phóng viên: Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? 

Ông Đỗ Văn Vẻ: Tôi rất mừng trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá và nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã hiến định rất rõ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, không phân biệt thành phần kinh tế, ai cũng có quyền tự do kinh doanh. Kinh tế tư nhân hiện đã chiếm trên 50% GDP của Việt Nam, rồi một loạt các dự luật sửa đổi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cần xác định rõ và coi kinh tế tư nhân là một động lực thì kinh tế tư nhân mới phát triển mạnh, nhiều người bỏ vốn, nhiều người tham gia đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Chính kinh tế tư nhân sẽ làm cho đất nước phát triển mạnh hơn. 

Vì vậy, tôi rất kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tập trung bàn nhiều về vấn đề kinh tế, mà mục đích cuối cùng là người dân mong cho đất nước giầu lên, cuộc sống của nhân dân ấm no và hạnh phúc. 

Nhà nước cần phải đánh giá đúng mức và quan tâm đúng mức đối với kinh tế tư nhân. Chúng ta phải đưa ra được cơ chế phù hợp, tạo động lực cho phát triển. Những người có thành tích thì được tôn vinh, khen thưởng và đưa ra những định hướng để người ta phát triển, sửa đổi các dự luật để doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nhà nước phải hậu thuẫn, hướng dẫn, giúp để họ để họ phát triển. Tạo cho họ những nguồn lực về tài chính, vốn, lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân cần được quan tâm vag đầu tư đúng mức thì sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Không nên phân biệt giữ tư nhân và nhà nước mà phải tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ai cũng có thể tham gia kinh doanh được những mặt hàng mà nhà nước không cấm. 

Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo đà để đất nước phát triển - ảnh 2

Dây chuyền sản xuất bia và nước ngọt hiện đại tại tập đoàn Đại Việt ở Thành phố Thái Bình

Còn về phía người dân và doanh nghiệp, cũng đã đến lúc phải nâng cao nhận thức, làm ăn bài bản, lâu dài, nghiêm túc, chấp hành luật pháp, quan tâm đến áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa chất lượng sản phẩm tốt hơn làm sao giá thành sản phẩm phải hạ, đồng thời giữ uy tín với khách hàng trong nước và quốc tế. Vì khi mà chúng ta hội nhập toàn cầu với những tiêu chuẩn chung cho nên chúng ta không thể làm tốt nếu không hiểu biết những nguyên tắc luật pháp, vô hình chung bị cuốn vào những vụ kiện tụng thương mại. Chúng ta phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau, xây dựng chuỗi giá trị. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được vì chúng ta có khát khao, có đam mê, có đột vọng, lại rất cần cù, chịu khó, khéo và thông minh, cầu thị nên chúng ta hoàn toàn có thể làm được. 


Phóng viên:
 Là một doanh nghiệp gắn bó nhiều với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và nông dân, theo ông đâu là kinh nghiệm để kết hợp với các địa phương và bà con nông dân để đưa ra những loại hàng hóa có chất lượng cao?  

Ông Đỗ Văn Vẻ: Đây là bài toán mà chúng ta đặt ra và Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới cũng phải đưa ra bàn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển đi lên. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua những nhà máy sản xuất thiết bị, công cụ, nhà máy chế biến. Tôi rất mừng là đã có nhiều nhà doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ như Tập đoàn FPT đang đầu tư vào mảng nông nghiệp công nghệ cao; Tập đoàn Hòa Phát, rồi Hoàng Anh Gia lai cũng đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi. Có nghĩa là các doanh nhân, các nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu và thấy Việt Nam là quốc gia về nông nghiệp, có nhiều lợi thế có thể phát triển được. Nếu như chúng ta có định hướng đúng thì sẽ đưa năng suất lao động lên cao. So sánh với Israel và Nhật Bản, Israel phải khoan xuống dưới đất hàng nghìn mét mới có nước tưới cho cây. Việt Nam có đầy đủ điều kiện thổ nhưỡng và nước nên có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao nếu như chúng ta ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và có sự hậu thuẫn tích cực của nhà nước bằng những cơ chế, chính sách kích cầu cho nông nghiệp thì năng suất lao động sẽ cao, chất lượng sản phẩm sẽ tốt, không thua kém gì các nước trong khu vực. 

Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo đà để đất nước phát triển - ảnh 3

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ trả lời phỏng vấn

Muốn thu hút được đầu tư, muốn thu hút được các nhà đầu tư, ngoài sự hậu thuẫn của nhà nước, thì chúng ta phải quan tâm tới các nhà đầu tư thông qua cơ chế chính sách, sửa đổi một số bộ luật như luật doanh nghiệp và đầu tư cho phù hợp, thông thoáng trong thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Phóng viên: Tập đoàn Đại Việt do ông Làm Phó Tổng giám đốc chế biến các loại đồ uống. Ông nhìn thấy cơ hội gì khi ra Việt Nam gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Khi hội nhập Hiệp định TPP tôi thấy nhiều áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, kể cả về lĩnh vực công nghiệp, nông sản thực phẩm. Về mảng đồ uống trong lĩnh vực công nghiệp, chắc chắn  là những tập đoàn lớn mang tính toàn cầu sẽ tràn vào. Họ có doanh thu rất lớn, thương hiệu mạnh, uy tín cao cho nên cạnh tranh về ngành đồ uống ở thị trường Việt Nam sẽ hết sức quyết liệt. Tôi cho rằng đây là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ ra các giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành tốt, phải xây dựng được yếu tố văn hóa doanh nghiệp cũng như tinh thần của người Việt Nam yêu thương và quý mến sản phẩm của nước mình. Tôi nghĩ rằng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt như thế này, rõ ràng chúng ta phải cố gắng. Tất nhiên là chúng ta cũng không phải quá lo lắng vì hàng hóa Việt nam chất lượng cũng chẳng kém hàng nước ngoài, giá thành cũng không cao. Có điều là chúng ta phải đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt Nam để các nước biết tới. Và ít nhất doanh nghiệp Việt cũng phải chiếm lĩnh được sân nhà vì người dân Việt Nam đã quen với các sản phẩm trong nước với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành vừa phải. Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào chiếm lĩnh thị trường để hai năm nữa, khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì chúng ta cũng sẽ có bước phát triển mới.

Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

Các tin/bài khác