Làng nghề trước ngưỡng cửa hội nhập

(VOV5) - Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Từ nhiều năm nay, kinh tế làng nghề đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước.

Làng nghề trước ngưỡng cửa hội nhập - ảnh 1
Ảnh:hanoimoi.com.vn

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, kinh tế làng nghề Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mới, song cũng đặt ra không ít thách thức.

Nghe âm thanh tại đây:


Hiện nay cả nước có trên 2.790 làng nghề, thu hút hơn 11 triệu lao động, sản xuất ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Trong số đó, có nhiều sản phẩm thủ công của các làng nghề nổi tiếng như: vải tơ lụa làng Vạn Phúc, đồ đúc đồng Ngũ Xã, đồ gỗ Đồng Kỵ, sản phẩm dệt cói Kim Sơn, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng, dệt thổ cẩm Cơ tu… Trong xu thế hội nhập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều làng nghề thủ công trong nước đang gặp không ít khó khăn, nhất là về quy mô hoạt động, khả năng phát triển mẫu mã, sản phẩm mới, tiếp cận nguồn vốn... Ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bắc Việt ở làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, cho biết: 80% cơ sở làng nghề hộ gia đình nhỏ lẻ, sản xuất bằng công nghệ cũ, lâu đời... Do vậy, việc đáp ứng những đơn hàng lớn trong thời gian ngắn là rất khó, trong khi đây là điều kiện cần khi Việt Nam bước vào sân chơi lớn với thị trường rộng mở và đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe của tiến trình hội nhập. Ông Trần Mạnh Cường cho rằng: “Hàng thủ công mỹ nghệ  của Việt Nam sắp tới khi tham gia vào quá trình hội nhập, nhập khẩu vào các nước bạn sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp là từ trước đến nay các doanh nghiệp vẫn ít có sự cạnh tranh trong khi bây giờ các đối tác, các nước trong khu vực như:  Philippines, Malaisia… rất phát triển về ngành thủ công mỹ nghệ. Tới đây nếu được tự do thâm nhập thị trường của nhau, thì đây là những đối thủ “đáng gờm” cho chúng ta nếu như không biết tận dụng thế mạnh của mình”.

Nghệ nhân Huỳnh Minh Khoa, Chủ cơ sở sản xuất đá Non nước Kim Sơn, thành phố Đà Nẵng, nêu thực tế: Việt Nam có những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, có tuổi đời vài trăm năm, nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, một số mặt hàng thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp vẫn tồn tại một số yếu kém, thua thiệt về mẫu mã, chất lượng so với các nước trong khu vực có chung dòng sản phẩm. Nghệ nhân Huỳnh Minh Khoa cho rằng để không bị tụt hậu trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp buộc phải đưa ra những sản phẩm có sự khác biệt:Để hội nhập, chúng tôi đang đầu tư các thợ lành nghề lâu năm để hoàn thiện hơn các mặt hàng đặc sắc hơn để phát triển làng nghề ở Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tập trung làng nghề vào địa điểm. Trước đây chúng tôi sản xuất đại trà, ở những cơ sở riêng lẻ. Còn bây giờ tập trung vào một nơi sản xuất tạo ra thế mạnh để hội nhập và phát triển”.  

 

Đến cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành và nhiều Hiệp định thương mại sẽ được ký kết, khi đó nhiều dòng thuế sẽ chỉ còn 5-0%. Như vậy, hàng hóa trong nước của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước. Trong khi công nghệ sản xuất và tay nghề cơ bản của các làng nghề chưa được đổi mới, thì yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi mô hình hộ cá thể độc lập sang mô hình cá thể liên kết nhằm tạo sức mạnh mới. Theo đó, có hai hình thức liên kết gồm: mô hình hợp tác xã hoặc xây dựng doanh nghiệp đầu đàn hình thành quan hệ vệ tinh. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các Hội nghề ở các làng nghề nhằm tạo ra sự chuyên nghiệp, bài bản. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh mới, không có cách nào khác, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải hạ giá thành sản phẩm, có mẫu mã phù hợp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới: “ Muốn làng nghề tồn tại và phát triển thì chúng ta phải sửa đổi những quy định luật pháp, những thể chế để khuyến khích người Việt Nam  sản xuất nhiều hàng chất lượng cao, giá thành hạ và hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đẩy mạnh việc trang bị khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để sản xuất nhiều hàng có sức cạnh tranh. Đồng thời, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực với nhau”.


Hội nhập là một bước phát triển rất quan trọng nhằm tạo cơ hội cho các làng nghề Việt Nam tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Để làm được điều này, các cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh việc cung cấp nhiều hơn, cụ thể hơn những thông tin về hội nhập cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp làng nghề nói riêng. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động tiếp cận thông tin để điều chỉnh kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác