(VOV5) - Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam được gia tăng thêm khi mà các chỉ số về thâm hụt ngân sách, nợ công nước ngoài, tốc độ tăng cung tiền đều giảm xuống.
Năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, kết quả này sẽ là tiền đề, tạo đà tiếp tục cho tăng trưởng năm 2020, đồng thời cho rằng động lực sẽ nằm ở những ngành có lợi thế truyền thống.
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với kết quả tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%, Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng ởmức cao so với các nước ở trong châu Á. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối được cải thiện trong thời gian vừa qua giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam được gia tăng thêm khi mà các chỉ số về thâm hụt ngân sách, nợ công nước ngoài, tốc độ tăng cung tiền đều giảm xuống; trong khi đó dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, tỷ giá ổn định... Đây chính là tiền đề quan trọng để năm nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
"Trong nước, năm nay là năm cuối nhiệm kỳ, cùng với việc thảo luận của Đại hội tinh thần cải cách vẫn tiếp tục tiếp diễn đặc biệt là cải cách về môi trường kinh doanh để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và cải cách mạnh mẽ hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn trên đà phát triển, năm nay là vẫn là động lực dẫn dắt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 2020 giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện. Tin tưởng năm 2020 nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng từ 6,8-7%" - ông Cung cho biết.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng những dự báo, định hướng nhìn từ góc độ khác nhau cho tính toán tổng thể rất quan trọng để đất nước tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Theo ông Vũ Tiến Lộc: "Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, cơ hội đầu tư đầu tư sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản; lĩnh vực phục vụ tiêu dùng phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế, các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị, dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi: kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh... được đánh giá có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khai phá".
Các chuyên gia kinh tế dự báo 5 lĩnh vực kinh doanh có sự phát triển mạnh mẽ trong năm nay là ngành hàng tiêu dùng; ngành du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch; ngành vận tải logistics; ngành xây dựng và vật liệu xây dựng; ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. Đồng thời cho rằng điểm sáng tạo nên động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 là những mảng kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Công ty CPCK SSI, cho rằng: "Tăng trưởng cho dài hạn của Việt Nam vẫn là những ngành tận dụng vào thị trường 100 triệu dân- đây là thị trường vô cùng lớn và là thị trường cho bước đệm cho chúng ta đủ để phát triển trước khi mở rộng ra các thị trường xuất khẩu ra nước ngoài. Với 100 triệu dân này không chỉ lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng mà có cả nghệ thuật, giải trí và giáo dục. Nhu cầu của thị trường về những ngành này là rất tiềm năng song quy mô dịch vụ và chất lượng của các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ".
Mặc dù Việt Nam đã có được nền tảng tốt và thuận lợi để nền kinh tế tiếp tục phát triển tuy nhiên những rủi ro, bất định từ môi trường bên ngoài, cũng như những thách thức, yếu kém nội tại vẫn cần được quan tâm hóa giải. Vì vậy, cải cách thể chế, tháo gỡ những vướng mắc trong môi trường đầu tư kinh doanh… là những ưu tiên cần tập trung trong thời gian tới. Qua đó để tạo sức bật cho nền kinh tế phát triển bền vững thời gian tới.