(VOV5) - Năm 2019 đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 4/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong tháng 8 và 8 tháng qua. Cũng tại họp báo, đại diện Bộ kế hoạch đầu tư nêu một số định hướng để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới tại Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, năm 2019 đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Đồng quan điểm này, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm của Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định.Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: "Có thể khẳng định chắc chắn tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thu ngân sách nhà nước đạt khá thể hiện thực lực của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm."
Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên Chính phủ vẫn yêu cầu các bộ ngành, địa phương không chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Để tiếp tục tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế, tạo cơ chế đột phá để thu hút nhà đầu tư, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sắp tới (tháng 10/2019), Chính phủ sẽ trình dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết: "Các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên Chính phủ nhận thấy hiện khung pháp lý chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP. Thêm nữa các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên trong dự luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro. Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư.
Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020.