(VOV5) - Các đại biểu cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo.
Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, nếu có chứng chỉ xanh sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Đây là thông tin được đưa ra tại Toạ đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, chiều 17/5 tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: congthuong.vn |
Trước nhu cầu cấp thiết của mục tiêu giảm phát thải với các ngành sản xuất, các điều kiện của hội nhập, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các kế hoạch chuyển dịch năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đó nêu rõ tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ ban hành mới đây.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: “Quy hoạch điện VIII nêu rõ điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển. Trong thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Vì hành lang pháp lý cũng như điều kiện cần và đủ cho phát triển ngành này chưa cụ thể, doanh nghiệp chưa chủ động được trong công tác đầu tư và phát triển. Do đó, cần gói giải pháp tổng thể và các điều kiện đầu tư kinh doanh khác”.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải carbon, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo.