(VOV5) -Báo cáo nêu bật sự cần thiết phải bảo đảm quá trình chuyển tiếp thông suốt ra khỏi giai đoạn tiếp nhận trợ giúp phát triển chính thức (ODA).
Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những mục tiêu hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).
Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
Đây là khuyến nghị chính được đưa ra trong báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Hội thảo công bố báo cáo được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 11/9.
Báo cáo nghiên cứu cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và luồng tiền gửi vào gia tăng, trong khi trợ giúp phát triển chính thức giảm và nguồn thu ngân sách không tăng đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư công cần thiết cho chi tiêu bắt buộc ngày càng tăng, và nợ công gia tăng.
Để bảo đảm các nguồn tài chính công đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện thành công các SDGs, báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” khuyến nghị cần mở rộng diện thu thuế như là một nguồn thu ngân sách thường xuyên hơn, tăng nguồn thu ngân sách từ việc quản lý tốt hơn các tài sản nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả chi tiêu chính phủ và đầu tư công, cùng với nỗ lực quản lý tốt nợ công.
Báo cáo nêu bật sự cần thiết phải bảo đảm quá trình chuyển tiếp thông suốt ra khỏi giai đoạn tiếp nhận trợ giúp phát triển chính thức (ODA), quản lý tốt hơn mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài chính cho phát triển, đồng thời tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính khác nhau.