(VOV5) - Những năm qua, Hungary và Việt Nam đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực môi trường nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
|
Đoàn Hungary làm việc với Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Kể từ khi mở cửa thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam luôn đạt mức khá cao. Quá trình đô thị hóa đã đem lại những tác động tích cực như thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ nhưng cũng tạo ra một số thách thức cho Việt Nam về vấn đề môi trường. Do vậy, một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý môi trường ở Việt Nam là quan trắc chất lượng môi trường, sử dụng các trạm quan trắc để đo các thông số về nguồn khí thải công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường cho biết: “Chúng tôi mong tìm hiểu nghiên cứu và áp dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam, các giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các giải pháp công nghệ hiện nay được các nước phát triển đưa vào áp dụng thực hiện việc quan trắc môi trường không khí xung quanh cũng như phát thải không khí”.
Hiện nay, đối với môi trường không khí, Việt Nam đã và đang sử dụng một số mạng lưới quan trắc, phần nhiều là quan trắc thủ công và quan trắc bán tự động. Những loại này công nghệ lạc hậu, chỉ số đo kém, không chuẩn xác. Hơn nữa, những đô thị hiện đại có đông dân cư mà chỉ dựa vào các trạm quan trắc không khí bán tự động để dự báo chất lượng môi trường thì đáng lo ngại. Vì số liệu đầu vào lấy từ các trạm quan trắc không khí bán tự động không đủ đại diện, không đủ tin cậy để xây dựng chiến lược, kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cả một đô thị có số dân đông, lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Hơn nữa, số liệu chỉ lấy trong một thời gian nhất định, không thể đại diện và phản ánh được chất lượng không khí của thành phố đó.
|
Tổng Giám đốc tập đoàn GAMMA, Hungary trao tặng ảnh mô hình Trạm quan trắc không khí tự động. |
Qua một thời gian làm việc và tìm hiểu vấn đề này đối với Việt Nam, cũng như tiếp tục những hoạt động hợp tác cùng phía Việt Nam, mới đây tập đoàn GAMMA của Hungary đã trao tặng cho Tổng cục Môi trường một trạm quan trắc không khí tự động với tổng trị giá 4 tỷ đồng. Đây là trạm quan trắc hoạt động liên tục 24/24h, cung cấp số liệu tức thời, đưa ra các thông số góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian. Nhận định về những ưu việt của trạm quan trắc này, ông Nguyễn Văn Thùy cho biết: “Các giải pháp công nghệ và các thiết bị quan trắc của hãng có những đặc diểm phù hợp với Việt Nam, tính nhỏ gọn, tiện dụng và kinh phí duy trì vừa phải. Trạm TVS3 trao tặng là một trạm đã được nhiệt đới hóa phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Chúng tôi hi vọng trong thời gian vận hành sắp tới, chúng tôi sẽ đánh giá được những kết quả vận hành của trạm phản ánh thực tế các số liệu có độ tin cậy về chất lượng môi trường không khí”.
|
Đoàn Hungary tại lễ trao tặng Trạm quan trắc không khí tự động |
Nhiệm vụ quan trắc môi trường là một nhiệm vụ quan trọng mà Tổng cục Môi trường hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết trạm quan trắc TVS3 mà phía Hung trao tặng cho Tổng cục Môi trường Việt Nam sẽ góp phần đưa ra các thông số về hiện trạng môi trường không khí ở Việt Nam: “Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để trạm quan trắc tự động phía Hungary trao tặng sẽ phát huy tối đa tác dụng. Hi vọng quan hệ hợp tác giữa hai Tổng cục bảo vệ môi trường của hai nước ngày càng phát triển”.
|
Ông Tollar Tibor, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quốc gia về cứu hộ, cứu nạn và xử lý sự cố thảm họa môi trường Hungary |
Ông Tollar Tibor, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quốc gia về cứu hộ, cứu nạn và xử lý sự cố thảm họa môi trường Hungary vui mừng nhận thấy từ việc nhận thức được nguy cơ về ô nhiễm môi trường, chính phủ Việt Nam đang có những chiến lược về bảo vệ môi trường đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Ông cho rằng để giải quyết vấn đề về môi trường, điều quan trọng là nắm được tình trạng môi trường để đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời: “Ở nước Hungary sử dụng trên 600 trạm quan trắc không khí tự động. Ở Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là một bài toán không hề đơn giản. Phía Hungary sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam trong các vấn đề về môi trường”.
Theo lời ông Zsitnyányi Attila, Tổng Giám đốc tập đoàn GAMMA, quan trắc tự động là phương pháp quan trắc hiệu quả nhất đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Trạm quan trắc không khí tự động TVS3 mà hãng tặng cho Việt Nam có kích thước nhỏ, gọn, dễ lắp đặt và dễ dàng vận hành, đặc biệt trạm đưa ra chuỗi số liệu quan trắc kịp thời, có độ chính xác cao: “Tôi hi vọng việc hợp tác của tập đoàn với các đồng nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Tôi hi vọng những công nghệ của chúng tôi trong lĩnh vực quan trắc môi trường sẽ được phổ biến rộng rãi cho các đồng nghiệp Việt Nam và hi vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho các đồng nghiệp Việt Nam”.
Ông Zsitnyányi Attila cho biết thêm, trong thời gian tới, hãng GAMMA sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho các cán bộ quan trắc môi trường tại Việt Nam, sau đó sẽ chuyển gia kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại và hướng dẫn lắp đặt, sử dụng cho các cán bộ môi trường tại Việt Nam.
Tham dự buổi bàn giao trạm quan trắc không khí tự động và được chuyên gia tập đoàn GAMMA giới thiệu và hướng dẫn sử dụng, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết hiện tại ở Bình Dương chưa lắp đặt trạm quan trắc môi trường không khí, tuy nhiên, thời gian tới, Bình Dương sẽ đầu tư cho việc này: “Đây là một giải pháp tích hợp tốt trong công tác quản lý môi trường đặc biệt trong công tác quan trắc. Đây là một cơ hội để Tổng cục môi trường thử nghiệm đối với thiết bị này. Hi vọng trạm quan trắc sau một thời gian Tổng cục Môi trường vận hành thì sẽ có so sánh đánh giá so với các trạm trước đây. Và đây cũng là cơ sở giúp cho các tỉnh xem xét có định hướng đầu tư cho địa phương mình”.
Việc xây dựng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động sẽ giúp cho công tác quản lý môi trường ngày càng tốt hơn, đồng thời nâng cao khả năng cảnh báo ô nhiễm môi trường từ xa. Các công nghệ, thiết bị do Tập đoàn Gamma sản xuất và giới thiệu với thiết kế phù hợp với điều kiện của Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc tìm kiếm giải pháp giám sát và quản lý chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.