Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay dưới góc nhìn của những người xa Tổ quốc

(VOV5)- Vào dịp tháng 4 hàng năm, rất nhiều người Việt Nam ở xa Tổ quốc lại trở về quê hương kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để họ cảm nhận những đổi thay của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay dưới góc nhìn của những người xa Tổ quốc - ảnh 1
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp kiều bào về thăm quê hương.

Là người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Mỹ, cứ mỗi lần trở về Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tony Lâm lại thấy nhiều đổi khác. Không chỉ ở trung tâm thành phố mà ngay cả những quận ven đô, nhiều tòa cao ốc hiện đại mọc lên nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng của ông. Điều ông Lâm ấn tượng nữa đó là Thành phố Hồ Chí Minh không còn hộ đói mà chỉ còn hộ nghèo, cận nghèo và đang tiếp tục thực hiện chương trình “Giảm hộ nghèo- tăng hộ khá” để nâng cao đời sống của người dân.  Đặc biệt là thành phố đang hướng tới việc đảm bảo cho người dân có cuộc sống an toàn từ những bữa ăn với thực phẩm sạch. Nắm bắt cơ hội này, ông Lâm cùng nhiều bạn bè ở Mỹ đã trở về đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lâm cho biết:“Tôi cảm thấy ở Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam hàng ngày có sự đổi mới, phát triển, cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Kiều bào trên thế giới và cả những người dân ở các nước khác cũng rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam đề họ có được sự tự tin và từ niềm tin đó họ đầu tư vào Việt Nam.”


Còn Giáo sư Lê Văn Cương, người Việt Nam tại Pháp, chia sẻ: Ông đã từng về Việt Nam vào những năm 80 và chứng kiến sự khó khăn của Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó. Thế rồi từ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, đất nước mở cửa, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu tạo dựng nền kinh tế thị trường hàng hóa. Đặc biệt, sự đổi mới của thành phố và đất nước đã làm thay đổi cách nhìn nhận về quê hương của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày càng có nhiều kiều bào trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, trong đó có cả những giáo sư, tiến sĩ tên tuổi trên thế giới. Giáo sư Lê Văn Cương tâm đắc: “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng Thành phố Hồ Chí Minh được như bây giờ. Việt Nam được như bây giờ. Tôi nghĩ sự phát triển này chính là sự cởi mở về kinh tế và là một chính sách rất đúng đắn.”


Để đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, chính quyền Thành phố đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Thành phố muốn áp dụng công nghệ thông minh để giải quyết những vấn đề cụ thể mà một đô thị lớn đang gặp phải, đó là: hạ tầng giao thông quá tải, chống ngập nước, kẹt xe, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường...Chính vì vậy mà chính quyền thành phố đang kêu gọi mọi nguồn lực, trong đó có cả những người Việt Nam ở xa Tổ quốc cùng góp sức vào công cuộc xây dựng thành phố. Rất nhiều kiều bào đánh giá cao về sự cầu thị của lãnh đạo thành phố trong quá trình tìm kiếm những chủ trương và giải pháp cho sự phát triển của đô thị này. Giáo sư Hoàng Dương Tùng, người Việt Nam ở Australia, cho rằng: Sự đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra thành công trong xây dựng đô thị thông minh: “Trước hết là phải xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý. Nếu chúng ta đầu tư một cách hợp lý và bỏ qua nhiều khâu để sử dụng tất cả tiền vào xây dựng hạ tầng thì tôi nghĩ thành phố hoàn toàn đủ sức.”


Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang nỗ lực vươn lên và có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Những đổi thay tích cực của Thành phố Hồ Chí Minh chính là động lực giúp bà con kiều bào tiếp tục tham gia đóng góp, hiến kế để xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác