Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay

(VOV5) - Hiện nay được tỉnh Thái Nguyên đưa vào phục vụ phát triển du lịch, như một điểm nhấn văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chay.

Đến với bản làng người dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên, du khách luôn thích thú khi được hòa vào điệu nhảy với cái tên ấn tượng Tắc-xình. Đây là điệu múa duy nhất của đồng bào dân tộc Sán Chay, gắn với nghi lễ cầu mùa, tạ ơn trời đất, thần linh cho mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điệu nhảy Tắc xình hiện nay được tỉnh Thái Nguyên đưa vào phục vụ phát triển du lịch, như một điểm nhấn văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chay.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

Cùng với hát Sấng Cọ, Múa Tắc-xình luôn song hành cùng với tiến trình phát triển cộng đồng người dân tộc Sán Chay tập trung chủ yếu tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên…
Với tiết tấu thanh âm đơn giản, ngôn ngữ hình thể dễ hiểu, các động tác múa Tắc xình đến nay vẫn giữ được nguyên gốc so với các loại hình múa dân tộc khác. Thông qua hình tượng múa, người xem dễ dàng cảm nhận được đời sống, phong tục tập quán của bà con dân tộc Sán Chay.
Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay - ảnh 1Múa Tắc-xình, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay.

Bà Hoàng Thị Hằng, trưởng đội văn nghệ xã Đồng Tiến, huyện Phú Lương cho biết về những điệu nhảy cơ bản trong múa Tắc-xình: “Các điệu nhảy đều thể hiện qua đời sống, lao động sản xuất. Ngày xưa toàn phát bãi tra mô, mang bản sắc thăm đường Vào mùa- Điệu Thăm đường; Điệu Lập làng; Điệu Bắt quyết; Điệu đánh mài dao; Điệu phát nương dọn rẫy; Điệu Tra mố; Điệu Hái lượm; Điệu  mừng mùa vụ;  Điệu chim câu. Đến đoạn tháng ăn chơi ròng rã sang tháng Giêng, rồi Giã bánh dày rùi tới tháng 10  già trẻ gái trai đi hát sình ca -  hát đối nhau”. Bà con Sán Chay vui chơi như thế cho đến hết tháng Giêng rồi lại bắt đầu vào mùa vụ mới".

Bên cạnh việc bày tỏ ước nguyện cầu thời tiết thuận lợi, cầu cho bản làng bình yên- hạnh phúc, vũ điệu Tắc-xình cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn.

Trong các nghi lễ cầu mùa truyền thống, khi người làm lễ ra hiệu lệnh, hai người trong trang phục thấy cúng và pháp sư tay cầm ống tre nhấc lên cao ngang mặt, một tay cầm cây gõ 2  lần liên tiếp vào ống tre tạo nên âm “tắc, tắc”, rồi cầm ống mai đập mạnh xuống đất phát ra tiếng kêu "xình". Sau đó, đội múa chia thành các nhóm phối hợp nhịp nhàng với âm thanh tắc -xình. Âm nhạc chỉ gồm 2 âm tắc và âm xình hợp lại. Tắc là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre, xình là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm tắc và xình phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định, để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được.

Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay - ảnh 2Cô Hoàng Thị Hằng và các em bé dân tộc Sán Chay

Chị Trần Thị Nữ, đội văn nghệ xóm Đồng Tiến cho biết thêm về nhạc cụ phục vụ cho điệu nhảy đặc biệt vui nhôn này: "Tiết tấu điệu nhảy rất đơn giản không trùng hợp với một thể loại nhạc nào cả. Đạo cụ cụ phục vụ Múa Tắc xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa được đập vào nhau theo âm điệu. Tắc thì nhảy chân lên, xình thì dậm chân xuống. Lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối với 9 động tác múa tạo thành thanh âm Tắc tắc sình nhịp nhàng, dứt khoát. Cây nêu sử dụng như là một đạo cụ tượng trưng vừa mang vẻ đẹp cầu mùa màng tốt tươi, mang đến bình an và xua đi điều xấu”. Mùa vụ đến chim câu bay đến và báo hiệu những điều tốt lành, mùa vụ đủ đầy, mọi sự tươi vui".   

Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay - ảnh 3Vẻ đẹp của cô gái dân tộc Sán Chay

Với những nét văn hóa đậm đà bản sắc rất riêng có của múa Tắc xình, tỉnh Thái Nguyên đã đưa điệu nhảy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này, vào phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Tại mỗi thôn xóm người Sán Chay đều có một đội văn nghệ múa Tắc sình và hát Sấng Cọ.

Giữa không gian tĩnh lặng bát ngát đồi chè ở huyện Phú Lương, nổi lên những thanh âm cộc cộc tắc tắc-sình từ các bản làng làm du lịch homestay của người Sán Chay, cảm thấy rất vui tươi và ấm áp. Nguời Sán Chay quan niệm rằng càng nhiều nhảy, cùng người gõ nhạc càng nhiệt tình và phối hợp nhịp nhàng thì thần linh sẽ hưởng ứng phù hộ bà con dân làng vụ mùa tốt tươi…

Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay - ảnh 4Hát Sấng Cọ luôn đi cùng với điệu nhảy Tắc- xình.

Là niềm tự hào của dân tộc Sán Chay, Múa Tắc-xình luôn được bà con tự hào phát huy như một giá trị di sản, bởi điều đó có ý nghĩa khơi dậy lòng tự hào về bản sắc văn hóa rất riêng, đồng thời khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và mở rộng giao lưu hội nhập: “Từ khi mô hình HTX được thành lập, du lịch cộng đồng phát triển, hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình được bà con biểu diễn thường xuyên hàng ngày. Tại buổi sinh hoạt HTX các thành viên đều nhảy điệu Tắc-xình để tạo không khí vui vẻ đoàn kết. Người Sán Chay từ già đến trẻ đều hiểu được ý nghĩa của điệu múa này. Tại các ngôi trường được truyền dạy điệu múa này cho các em nhỏ sau đó hình thành các hợp tác xã du lịch. Mỗi khi có du khách đến, bà con giới thiệu điệu múa này như niềm tự hào của dân tộc mình”.

Chị Nguyễn Thị Nữ, hội phụ nữ xã Đồng Tiến, huyện Phú Lương nói: "Chúng tôi giải thích cho các cháu từng động tác mang từng ý nghĩa mà hàng ngày các bà các mẹ vẫn làm. Nay thời đại 4.0 rồi, tôi sẽ có sự cải biên một chút khi dạy múa cho các cháu. Ví như động tác đan chéo tay, sẽ xòe tay ra, ánh mắt như mời gọi mọi người và du khách vào cùng nhảy. Nó giống như điệu xòe hoa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Và, như thế ai cũng hào hứng tham gia vào nhảy cùng chúng tôi, không khí vui vẻ, ấm cúng". Cô Hoàng Thị Hằng chia sẻ.

"Chúng tôi rất tự hào về điệu múa, không ở đâu có của dân tộc Sán Chay chúng tôi. Tôi rất vui tham gia đội văn nghệ và rất muốn các con tôi cùng học điệu nhảy này. Tắc-xình là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong phát triển du lịch cộng đồng của người người dân tộc Sán Chay chúng tôi."
 
Múa Tắc xình - di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay - ảnh 5Múa Tắc-xình được công nhận là di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên. 

Múa Tắc- xình hội tụ đầy đủ các yếu tố của trình diễn dân gian đã được cộng đồng người Sán Chay lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời, góp phần vào sự đa dạng trong kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác