Người Phù Lá tổ chức quét ma làng

(VOV5) - Lễ quét làng khá giản dị nhưng thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng tâm linh riêng biệt của người Phù Lá ở Lào Cai. 

Đồng bào dân tộc Phù Lá đến nay vẫn lưu giữ một số tập tục truyền thống, trong số đó là lễ “quét ma”, với mong muốn bình yên, cây cối bội thu hoa trái và gặp nhiều may mắn. Điều đặc biệt là những người thực hiện lễ quét ma lại là các bé trai trong nhà, với những lời hò hét vui nhộn, khiến những người được tham dự lễ cũng cảm thấy phấn khích, vui vẻ.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Đồng bào Phù Lá hiện có hơn 12.000 người, sống tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Hà Giang. Ngoài tên gọi Phù Lá, còn có các tên khác, như: Bồ Khô Pạ, Xá Phó, Phổ, Va Xơ Lao hay Pu Dang, Mu Di Pạ.
Trong kho tàng văn hóa tộc người, dân tộc Phù Lá có nhiều phong tục, lễ nghi liên quan đến đời sống cộng đồng, như: Mừng cơm mới, tết cổ truyền, lễ xuống đồng hay lễ cúng rừng và đặc biệt là lễ Quét ma làng. Theo nghệ nhân Vàng Ngọc Sáng ở Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, mỗi năm, người Phù Lá có hai lễ hội cộng đồng được tổ chức với quy mô rất lớn đó là Lễ cúng rừng và Lễ đuổi ma làng: "Quét làng không phải là mang chổi đi quét mà thực chất là cúng. Nghĩa là cái dữ thì mình đuổi đi để mang điều tốt lành vào làng bản mình.
Người Phù Lá tổ chức quét ma làng - ảnh 1 Đoàn lễ đang đi đến từng nhà để thực hiện lễ quét ma. Ảnh: Báo Nhân dân

Đồng bào Phù Lá quan niệm trong một năm, sẽ có những thời điểm ma quỷ vào làng để quấy nhiễu dân bản, khiến đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn và việc thực hiện nghi thức “quét ma” để xua đuổi cái xấu với ước mong về sự bình yên, no đủ cho bản làng. Đồng thời, mong muốn cho mỗi gia đình trong công việc làm ăn, phát triển sản xuất sẽ luôn thuận lợi, con người không đau ốm, bệnh tật. Thầy cúng Vàng Ghi Nhớ, xã Liên Minh, Thị xã Sa Pa, chia sẻ: "Cúng để người người khỏe mạnh để sản xuất phát triển kinh tế gia đình, để phát triển trâu bò, lợn gà vịt và để cho người người nhà nhà gặp nhiều may mắn."

Lễ quét ma làng được tổ chức với quy mô cộng đồng, vì thế, già làng, trưởng bản sẽ là những người quan trọng nhất trong việc triển khai để buổi lễ được diễn ra một cách trang trọng và ý nghĩa nhất. Sau khi chọn được ngày tổ chức, đồng bào tổ chức họp để thống nhất những công việc cần phải thực hiện cho buổi lễ.

Theo quan niệm của người Phù Lá, vì là việc chung của cộng đồng nên mỗi gia đình, mỗi nhà đều có phải đóng góp. Các lễ vật không quá cầu kỳ, tốn kém, thường là những cây trồng, vật nuôi sẵn có trong gia đình mỗi nhà, như: Lợn, gà, dê, chó cùng hoa quả, bánh trái các loại. Đặc biệt, không thể thiếu một con chó và đôi gà lông trắng - lông đỏ, là những con vật được người Phù Lá quan niệm có khả năng đuổi ma: "Ở đây thường cúng là con lợn, con chó, con dê. Còn ở từng nhà là mỗi nhà đều có một con gà, bát gạo và một chai rượu."

Người Phù Lá tổ chức quét ma làng - ảnh 2Đoàn lễ gồm tất cả mọi người trong thôn đi vào rừng. Ảnh: Báo Nhân dân

Lễ quét ma thường diễn ra tại một khu đất thoáng đãng và rộng lớn. Hướng của đàn lễ phụ thuộc vào hướng ma đi. Bởi, sau khi cúng tế xong, thầy cúng và các đệ tử sẽ “quét” để ma ra khỏi làng, đi vào trong rừng sâu, không quẫy phá bản làng nữa. Trong lễ quét làng, ở mỗi gia đình bắt buộc phải chế tác các loại vũ khí đề trừ tà gồm dao, súng bằng gỗ. Đặc biệt, một vật dụng quan trọng không kém cho ngày lễ chính là đồng bào phải đan những chiếc phên hình mắt cáo để treo trên cửa lối ra vào. Ngôi nhà có bao nhiêu cửa sẽ tương ứng với từng ấy chiếc phên mắt cáo để không cho ma quỷ vào nhà.

Người Phù Lá tổ chức quét ma làng - ảnh 3Những nghi thức cuối cùng của lễ quét ma. Ảnh: Báo Nhân dân

Vào đúng giờ đã chọn, những người đàn ông sẽ mang lễ vật ra bãi đất trống ở đầu làng để làm lễ quét làng. Trước đó, mỗi gia đình sẽ làm lễ cúng tổ tiên riêng ở nhà. Ông Vàng Ngọc Sáng cho biết nếu như lễ cúng rừng là một nghi lễ linh thiêng thì quét ma làng vừa có tính lễ, vừa có tính hội, vui tươi, rộn ràng trong đó. Đối với phần lễ là hình thức cúng cầu Giàng và thần núi để đuổi ma rừng lang thang trong bản về nơi rừng sâu, không làm hại con người, vật nuôi. Đồng thời, lễ này còn có tính hội khi mọi già trẻ, lớn bé đều được tham gia trong các vai trò khác nhau, vô cùng vui vẻ:

"Mình đặt một mâm lễ rồi tất cả gà cùng dao, súng đều đặt vào mâm cúng, để đó chờ ông thầy mo đến. Thầy đến thì quét. Ông thầy cầm hai cây bông lau hơn một mét. Hai cây bó vào nhau để làm."

Trong không khí trang nghiêm, trên tay cầm cây bông lau, thầy cúng tiến hành nghi lễ “quét ma” tại từng nhà. Trước tiên, thầy sẽ cúng báo với tổ tiên gia chủ, sau đó bắt đầu các nghi thức quét. Cùng với đó là hình ảnh gia chủ ném những hạt ngô vào các góc nhà được xem như cách thức để xua đuổi tà ma ra khỏi nhà. Cứ thế, thầy cúng làm lần lượt hết các nhà trong bản, sau cùng sẽ ra ngoài làng tổ chức.

Khi hoàn tất việc “quét ma” ở từng hộ gia đình, đoàn lễ ra khỏi nhà cũng là lúc cánh cửa nhà được đóng lại, chỉ được mở ra cho đến lúc gia chủ làm lễ chung của làng xong. Khi tới rừng, đoàn người sẽ dồn ma vào rừng và cắm toàn bộ các thanh dao, thanh kiếm gỗ trước cửa rừng với ý nghĩa làm hàng rào ngăn chúng quay trở lại làng. Khi lễ quét ma làng kết thúc, người Phù Lá thực hiện nghiêm túc quy định về 3 ngày sau đó để lễ cúng được linh thiêng. Nghĩa là trong ba ngày các gia đình không hát hò, không được gây tiếng ồn lớn trong nhà và đặc biệt chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ trong những ngày này:

"Không được tiếng động lớn... Từng hộ tự giác phải kiêng. Kiêng không được nói tiếng người ngoài, chỉ nói tiếng trong làng.'

Lễ quét làng khá giản dị nhưng thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng tâm linh riêng biệt của người Phù Lá ở Lào Cai. Việc duy trì hoạt động này góp phần phát huy bản sắc văn hóa các tộc người nơi đây.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác