Vài nét về dân tộc Sán Chỉ

 (VOV5) -  Dân tộc Sán Chỉ sống rải rác ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Vốn là cư dân nông nghiệp, lại sống định canh, định cư theo từng bản làng và có tổ chức khá chặt chẽ nên dân tộc Sán Chỉ có tính cộng đồng cao. 


 Vài nét về dân tộc Sán Chỉ - ảnh 1
Phụ nữ Sán chỉ

Nghe nội dung bài viết tại đây:


Người Sán Chỉ sống tập trung thành xóm nhỏ ở các vùng núi cao. Nhà sàn 4 mái vững chãi là kiểu dáng nhà ở đặc trưng của họ. Tuy nhiên, nhà ở của người Sán Chỉ cũng có thay đổi theo từng vùng miền. Ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn thì người Sán Chỉ ở nhà sàn còn ở Quảng Ninh thì họ ở nhà vách đất hoặc xây bằng gạch không nung. Ngày nay kinh tế, xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Chỉ cũng đã thay đổi cả về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà tranh được thay bằng nhà gạch xây theo kiểu hiện đại. Nhiều hộ gia đình người Sán Chỉ còn xây nhà cao tầng, mái bê tông kiên cố như của người Kinh.

Người Sán Chỉ làm ruộng là chính. Họ tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Họ còn chăn nuôi và trồng trọt. Đây là nghề chính đem lại thu nhập chủ yếu cho từng gia đình người Sán Chỉ. Bên cạnh đó, họ có nghề thủ công như làm mộc, đan lát mây tre, rèn. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Nhiều nghề thủ công hiện vẫn được người Sán Chỉ giữ gìn và phát triển. Bà Đặng Thị Trinh, người Sán Chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết: "Người Sán Chỉ nuôi lợn, đi rừng, trồng cây quế, keo, thông, sắn, ngô, lạc. Người Sán Chỉ không biết buôn bán chỉ biết trồng trọt chăn nuôi, nếu dùng không hết thì mang đi bán. Chỉ làm nhỏ thôi. Nuôi trâu mấy năm mới được bán. Người ta làm kinh tế hay buôn bán lớn mới nhiều tiền".


 Vài nét về dân tộc Sán Chỉ - ảnh 2
Trang phục của các cô gái 

Trang phục của người Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các đồ trang sức như: vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình trong những ngày lễ, tết. Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi. Bà Đặng Thị Trinh cho biết: "Người Sán Chỉ mặc váy, quấn đầu. Ngày xưa ông bà hay mặc quần áo dân tộc nhưng bây giờ thì mặc quần áo bình thường. Giờ thì đi hát hò hay lễ cưới, lễ hội mới mặc trang phục dân tộc".


 Vài nét về dân tộc Sán Chỉ - ảnh 3

Lễ cưới của người Sán chỉ

Người Sán Chỉ nổi tiếng yêu ca hát. Những câu dân ca được cộng đồng sáng tác và lưu truyền trên cơ sở nét văn hoá riêng có của dân tộc, những phong tục, tập quán và qua quá trình lao động. Hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau.

Sự phong phú về câu hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tài ứng khẩu và đặt lời mới của người hát. Ông Lâm Minh, người Sán Chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết: "Hát dân ca như thế này các cụ ngày xưa biết nhiều hơn. Ngày trước bố mẹ tôi biết. Tối mọi người trong xóm tới giao lưu hát, có khi hát tới sáng nên cũng biết hát. Từ tầm 30 tuổi trở lên cũng không hát được nhiều vì không nhớ lời và không có giọng để hát. Anh em ở xa đến nhà tìm hiểu, hát từ tối đến sáng, hát cả đêm không ngủ. Hôm sau mới ngủ".

Lời ca, tiếng hát với đồng bào Sán Chỉ chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.

Phản hồi

Các tin/bài khác