(VOV5) -Đến với hai cuốn chân dung văn học này là đến với cách nhìn của người viết trẻ về các văn nhân đi trước.
Trần Hoàng Thiên Kim là nhà thơ, Văn Thành Lê là tác giả văn xuôi. Cả hai đều là cây viết thuộc thế hệ 8X. Lần này, hai tác giả cùng được NXB Kim Đồng dẫn “ra sân” chữ nghĩa, thông qua thể loại khác hẳn sở trường quen thuộc, là phê bình, bằng tập chân dung văn học Đi tìm những giấc mơ và Như cánh chim trong mắt của chân trời.
Hành trình Đi tìm những giấc mơ của Trần Hoàng Thiên Kim mở ra nhiều chiều không gian về cuộc sống và khát vọng sáng tạo của những bậc tài hoa: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Quỳnh…, những tác giả đương đại nổi tiếng: Nguyễn Xuân Khánh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm… và những nhà văn trẻ tài năng mới: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Doãn Phương...
Trong khi đó, với Như cánh chim trong mắt của chân trời, dưới nét bút khắc họa của Văn Thành Lê, những tên tuổi của văn chương Việt Nam hiện lên vừa thân thuộc, vừa khác lạ. Bạn đọc gặp lại Đoàn Giỏi, Vũ Hùng, Hồ Anh Thái, Trần Thùy Mai, Trần Đức Tiến…; biết thêm về Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Cao Xuân Sơn, Đỗ Bích Thúy…; hiểu hơn về Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy… và những nhà văn, nhà thơ trẻ giàu tiềm năng, hiện đang là niềm hi vọng của văn chương nước nhà.
|
Đến với hai cuốn chân dung văn học này là đến với cách nhìn của người viết trẻ về các văn nhân đi trước. Khác với các nhà lí luận phê bình chuyên nghiệp, là người sáng tác, Trần Hoàng Thiên Kim và Văn Thành Lê có thực tiễn và trải nghiệm từ bên trong trước khi tiệm cận cuộc đời và tác phẩm của các nhân vật. Phê bình văn học ở những trường hợp này, là nghiên cứu đồng nghiệp như viết về chính mình, viết về những cái tôi sáng tạo khác. Bởi thế, tác giả giúp người đọc tiến sát hơn bao giờ hết tâm hồn, thân phận cá nhân của nhà văn.
Hai tác giả Văn Thành Lê và Trần Hoàng Thiên Kim |
Qua Đi tìm những giấc mơ và Như cánh chim trong mắt của chân trời, những chuyện hậu trường của làng văn, những tư liệu đời tư nhà văn, những kỉ niệm của các văn nhân hiện lên đầy sinh động trong mỗi trang viết. Theo đó, tác giả thực sự là người đọc tri âm, lí tưởng.
Nếu như trong sáng tác, ngôn ngữ văn xuôi của Văn Thành Lê luôn có yếu tố hài hước, thường xuyên sử dụng thủ pháp giễu nhại, thì Như cánh chim trong mắt của chân trời cũng không thiếu vắng tiếng cười. Và Đi tìm những giấc mơ lại thừa hưởng chất thơ, độ phiêu và “bay” của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim.
Nói về các nhân vật và tác phẩm của mình, Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ: “Cuộc đời của những nhân vật trong cuốn sách là những trải nghiệm đầy thú vị, đầy cảm xúc, đầy dư ba cho thế hệ hậu sinh chúng tôi nhìn vào như một tấm gương phản chiếu thế hệ. Họ đã sống, làm việc, cống hiến, va đập với rất nhiều trạng huống trong cuộc sống để viết nên những tác phẩm để đời.”
Về Như cánh chim trong mắt của chân trời, nhà phê bình, TS Phan Tuấn Anh nhận định: “Có thể thấy Văn Thành Lê mặc dù là nhà văn trẻ, nhưng anh đã sớm xác lập cho mình những quan niệm (về) văn chương hết sức rõ ràng, mới mẻ… Tập phê bình chân dung của anh, do đó cũng có thể xem là tập quan niệm văn học của nhà phê bình.”