Nghe âm thanh bài tại đây:
Thành công về doanh số hoặc lượng tương tác trên mạng xã hội đã khiến các đơn vị xuất bản bớt dè dặt hơn, bắt đầu tìm kiếm bản thảo cho thể loại này. Việc tạo ra một “hệ sinh thái kinh dị thuần Việt”, bao gồm truyện, game, phim chuyển thể…, dù mới manh nha, cũng trở thành tín hiệu vui cho “xuất khẩu” văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tiếp cận với các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài ngày một trở nên dễ dàng, không chỉ qua con đường dịch thuật mà còn có thể tiếp cận trực tiếp bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng chính bối cảnh này lại nuôi dưỡng một dòng chảy khác: đó là sự trở lại với tính bản địa. Giữa hàng loạt các sản phẩm na ná nhau được sản xuất hàng loạt, cả tác giả lẫn tác phẩm phải tìm cách để tạo ra dấu ấn riêng.
Một số tác phẩm kinh dị được xuất bản thời gian gần đây - Ảnh: Báo Thể thao và văn hóa |
TS. Lư Thị Thanh Lê nhận định: “Trong thời buổi mà giao lưu toàn cầu trở nên rộng rãi và mạnh mẽ thì những người sáng tạo về văn hóa, những người sáng tạo về nội dung, những người sáng tạo về các sản phẩm nghệ thuật… có nhu cầu rất lớn về việc tìm những chất liệu địa phương, chất liệu về quốc gia, dân tộc để có thể làm đậm căn tính, bản sắc vùng miền ở trong sự giao lưu và hội nhập quốc tế độ. Và những cái gọi là văn hóa bản địa hay tính bản địa đó tạo ra sự nhận diện rất rõ ràng của nhóm người, nhóm cộng đồng này so với cộng đồng khác, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa trên bình diện quốc tế. Bởi nếu họ không có chất liệu riêng của địa phương, của dân tộc thì trong sự hội nhập toàn cầu, họ có thể sẽ chỉ giống như là một cái gì đó na ná như những người khác ở các quốc gia khác.”
Văn chương cũng nằm ngoài xu hướng này. Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá khẳng định: “Người đọc thấy rằng anh là nhà văn của Việt Nam thì anh mới thắng, chứ còn anh viết theo phương Tây không bao giờ bằng phương Tây, vả lại cũng không tới được. Cho nên điều chúng ta để lại dấu ấn là phải trở về với căn tính Việt, trở về với chất liệu Việt, trở về với văn hóa và tâm thức Việt, cộng với các thủ pháp hiện đại, cộng với cách cắt nghĩa và lý giải bằng cái mặt bằng tri thức của phương Tây. Lúc đó, chúng ta mới có khả năng thắng lợi, khả năng thành tựu.”
Chưa bàn tới phim ảnh, chỉ riêng thị trường sách nhiều năm qua đã có quá nhiều các tác phẩm kinh dị được “nhập khẩu” từ phương Tây, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Điều này buộc các tác giả Việt, nhất là những cây viết trẻ, buộc phải tìm lối đi riêng. Trở lại với tính bản địa đem đến cho họ nguồn cảm hứng và tư liệu phong phú.
Tác giả Thục Linh và Trường Lê chia sẻ: “Hiện nay tôi quan sát thấy có hiện tượng các cây bút trẻ gặp phải sự phản đối, thắc mắc của độc giả khi trong tác phẩm có xuất hiện các từ ngữ và văn hóa nước ngoài quá nhiều. Vì vậy, để viết một tác phẩm thuần Việt không phải là việc quá dễ dàng. Thực ra, nước ta có 54 dân tộc cùng nhau chung sống, làm ăn và phát triển cùng với bề dày lịch sử trải qua suốt hơn 4.000 năm thì mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán và những nét văn hóa riêng. Mặc dù trải qua khoảng thời gian bị đô hộ, giao thoa về văn hóa mạnh mẽ nhưng thế hệ cha ông ta vẫn vững vàng bảo tồn những giá trị riêng của đất nước.
Chính những đặc điểm riêng đó mới tạo nên tính thuần Việt trong tín ngưỡng, văn hóa, lối sống của người Việt và những người viết phải phân biệt được những điều đó và chắt lọc vào trong tác phẩm. Tất nhiên, vì có sự giao thoa văn hóa nhưng vẫn không thể tránh khỏi có những chi tiết lễ nghi, có sự trùng hợp với cả văn hóa nước ngoài nhưng không nên để xuất hiện quá dày đặc trong tác phẩm của mình.” “Có thể là do mình là một tay viết tự do, một tay ngang bất ngờ đi vào con đường viết lách nên mình thấy mọi thứ khá bình thường và không có trở ngại gì. Thực ra mình thấy đơn giản lắm, chỉ cần viết mà tránh những vấn đề mang những nội dung như là xuyên tạc, chống phá, tuyên truyền mê tín dị đoan thái quá thì là có thể thoải mái, tự nhiên mà.”
Nhiều đơn vị xuất bản, bên cạnh việc khai thác các tác phẩm ngoại văn, việc tìm kiếm những bản thảo khai thác được tính bản địa, thuần Việt cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Nhà xuất bản Phụ nữ rất khuyến khích những lớp tác giả nêu được bản sắc riêng, không chỉ của cá nhân mình mà còn của văn hóa đất nước. Chúng tôi rất khuyến khích những đề tài liên quan đến bản sắc văn hóa Việt. Nó có thể là cách mà chúng ta khai thác những đề tài thuần Việt. Đồng thời, chúng ta cũng có thể khai thác những đề tài nóng mà hiện nay đang bất cập ở Việt Nam.”
Chị Vương Thanh Tâm, đại diện cho Công ty Viva Books cho biết: “Xuất bản tác phẩm văn học Việt vẫn luôn là mong muốn và ưu tiên hàng đầu của tôi từ khi thành lập thương hiệu. Thời gian đầu khá khó khăn vì khi ấy, VivaBooks là một cái tên mới, độc giả và tác giả đều chưa biết là thương hiệu này xuất bản sách gì, làm việc ra sao,... nên bước định vị thương hiệu và tạo dựng niềm tin với độc giả ở thời gian đầu là một việc cực kì quan trọng. Trong năm đầu tiên, chúng tôi liên tục cho ra mắt các ấn phẩm ngoại văn chất lượng, cùng lúc đó, chúng tôi cũng miệt mài tìm kiếm cơ hội xuất bản các tác phẩm văn học Việt.
Theo lộ trình này, đầu năm 2024, VivaBooks đã triển khai dự án VIVA TALENTS – Tìm kiếm những cây bút trẻ tài năng Việt. Ngay khi vừa thông báo trên trang fanpage của thương hiệu, dự án đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ nhiệt tình trong cộng đồng tác giả Việt. Điều này càng củng cố thêm mong muốn xuất bản thật nhiều ấn phẩm văn học Việt, hỗ trợ các cây bút trẻ đến gần với giấc mơ xuất bản hơn, và qua đó góp một phần nhỏ vào sự phát triển của văn học trẻ Việt Nam.”
Quả thực, cần phải nhấn mạnh rằng “bản địa”, “thuần Việt”, “dân gian” đã trở thành một xu hướng trong ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta hẳn không còn xa lạ với bộ phim hoạt hình “Kungfu Panda” (nhan đề tiếng Việt là “Gấu mập học võ”) đã được hãng Dream Works sản xuất đến 4 phần – một sản phẩm văn hóa phương Tây nhưng lại khai thác thành công chất liệu truyền thống của Trung Hoa. Nhìn sang “hàng xóm” Thái Lan hay gần đây là Indonesia, họ đã có một loạt phim kinh dị tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế. Gần đây, sự chú ý dành cho game “Hắc thần thoại: Ngộ Không” do Trung Quốc sản xuất cũng góp thêm một mình chứng cho sức hút từ những câu chuyện bản địa phương Đông. Đây cũng có thể coi là một hướng đi cho các tác giả luôn mong muốn “xuất khẩu” tác phẩm của mình ra thế giới.
Tác giả Thảo Trang cho biết: “Tôi là một người Việt Nam và đương nhiên là người Việt Nam thì chúng ta sẽ dùng ngôn ngữ, cử chỉ, dùng lời ăn, tiếng nói, dùng những biệt ngữ xã hội mặc dù nó mang tính địa phương nhưng sẽ vẫn có tính bản địa rất lớn. Điều này ăn sâu vào máu nên chúng ta sử dụng một cách rất tự nhiên thôi. Trong bối cảnh hiện nay, những câu chuyện gốc của Việt Nam nói riêng và của châu Á nói chung đang rất đắt giá. Đắt giá là vì sao? Vì chúng ta có một bề dày lịch sử cũng như có ý nghĩa đa tầng, đa lớp, khiến cho tất cả thị trường ở ngoài kia, ví dụ những người ở phương Tây chẳng hạn, rất thích thú. Khi biết được điều này, tôi đã tự đặt ra một câu hỏi là mình là người Việt Nam và những bạn bè quốc tế năm châu họ đều rất thích những câu chuyện của mình, vậy thì mình sẽ sử dụng chính ngôn ngữ mang đậm đà bản sắc dân tộc nhất và những nét văn hóa của người Việt Nam rõ nét nhất để giới thiệu với bạn bè trên thế giới. Và cũng thật may là hướng đi của mình đã được rất nhiều người ủng hộ.”
Với sự góp mặt của các bút trẻ, tài năng, truyện kinh dị thuần Việt đã dần khẳng định được vị trí của mình. Chọn cách học hỏi từ phương Tây hoặc các quốc gia châu Á khác nhưng thay vì bắt chước một cách máy móc, họ đã tìm cho mình một “lối về” khi theo đuổi các yếu tố thuần Việt từ bối cảnh, ngôn ngữ, phong tục tập quán hay sự kiện lịch sử… Điều này cũng mở ra hướng tiếp cận quốc tế khi tính bản địa ngày một có giá trị trong bối cảnh toàn cầu hóa.