Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Nhân kỉ niệm 112 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912-6/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tổ chức buổi ra mắt sách “Con đường văn sĩ” - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuốn sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biên soạn.
Nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô; và cũng ghi dấu ấn với văn học thiếu nhi với những tác phẩm xuất sắc như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa. Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, TS Văn học Đỗ Thanh Nga, TS Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ tại buổi giao lưu ra mắt sách. |
Mở ra "lẽ sống, lẽ làm người" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng trong phần Lời bạt có đánh giá: “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, trong khi ghi lại cuộc đời mình với quá trình trước tác, hoạt động xã hội thì đồng thời, cũng phản ánh chính những sự kiện, phong trào mà ông là người trong cuộc".
Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga, người đã có những nghiên cứu chuyên sâu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cho rằng so với bộ tuyển đồ sộ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” trước đây, thì “Con đường văn sỹ” là sản phẩm nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng đã phải bỏ rất nhiều công phu gạn lọc những gì ông cho là tinh hoa nhất, tập trung nhất, liên quan đến sự hình thành con đường văn của Nguyễn Huy Tưởng.
“Nhật ký để viết cho chính bản thân mình, nó hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Nhật ký của một nhà văn, một người đang rèn giũa ngòi bút của mình thì nó còn đặc biệt hơn nữa. Trong đó chúng ta sẽ tìm thấy khát vọng của một con người, khát vọng sáng tạo như nào, ý hướng ra sao, thậm chí những quan niệm về văn chương về sáng tạo, nghệ thuật được bộc lộ thế nào. Khi chúng ta đọc sách truyện ngắn hay tiểu thuyết của Nam Cao, chúng ta thấy những triết lý, quan niệm về văn học nghệ thuật được thể hiện rõ qua những suy tư của nhân vật. Ở Nguyễn Huy Tưởng, ông phát biểu trực tiếp bằng những trăn trở ấy. Và quan trọng hơn, bên cạnh cái gọi là lý thuyết văn chương, nhà văn nói nhiều đến lẽ sống, lẽ làm người trong quan hệ đối nhân xử thế.” - Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga nhận xét.
Chỉ có khoảng 20 năm sáng tác nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một gia tài văn học đồ sộ: 6 vở kịch, 5 tiểu thuyết, gần 10 tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, chưa kể những tác phẩm ký sự khác…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng là những trang nhật ký được viết bởi một nhà văn giàu tâm huyết, giàu tình cảm, có một tâm hồn rất chân thành, rất nhiệt huyết, nên có giá trị về tư liệu đã đành, nhưng qua nhật ký cũng có thể thấy phẩm chất văn chương Nguyễn Huy Tưởng.
Nhà văn luôn sôi sục bầu nhiệt huyết lớn và sẵn sàng trả giá cho lựa chọn sáng tác văn chương, sáng tạo như mình mong muốn. Những trang nhật ký đó của ông rất nhiều điểm rất gần gũi với bất cứ ai, trong những trăn trở của một người trẻ tuổi lập thân lập nghiệp. Vì thế, tác phẩm được chọn lọc cho những bạn đọc từ 14 tuổi trở lên, không chỉ cho những nhà nghiên cứu, những người yêu văn chương, mà còn phù hợp với bạn đọc trẻ tuổi.
"Nhật ký của cha tôi đã mở ra với tôi toàn bộ cuộc đời ông. Luôn luôn có hình ảnh cha mình ở bên, là chỗ dựa vô giá đối với tôi. Qua nhật ký của cha mình, tôi đã nhận ra cả một thế giới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có chân dung của ông, liên tục từ năm 18 tuổi đến khi mất. Ở đó có thế giới mà cha tôi đã sống, đã trải qua, một thế giới rất đặc biệt, từ năm 1930-1948 là những năm xã hội Việt Nam trải qua rất nhiều biến động. Ở đó có rất nhiều những người đương thời với ông mà sau này đã trở thành con người lịch sử: những nhà văn nổi tiếng, có các nhà hoạt động xã hội, các nhà chính trị kể cả Bác Hồ, hình ảnh của Bác có rất nhiều trong Nhật ký của cha tôi. Cũng có rất nhiều những sự kiện lớn nhỏ mà cha tôi đã trải qua hoặc trực tiếp tham gia vào, trực tiếp góp phần vào đó." - Ông Nguyễn Huy Thắng tâm sự.
Quang cảnh buổi giao lưu ra mắt sách Con đường văn sỹ |
...Soi chiếu một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử văn học nghệ thuật dân tộc
Theo Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga, bởi Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký cho chính mình, nên những gì ông viết là hồn nhiên và chân thực nhất. Sức hấp dẫn của tập Nhật ký này như thế nào đối với bạn đọc hôm nay? Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng giúp người đọc tìm thấy câu chuyện, mạch nối sự kiện theo tuyến tính thời gian, tìm thấy các nhân vật có thật trong lịch sử lịch sử văn chương, lịch sử chính trị xã hội.
"Và nhất là bạn đọc còn tìm thấy được bức tranh bình diện văn hóa xã hội của thời kỳ 1930- 1945 – thời kỳ văn học nghệ thuật dân tộc phát triển rực rỡ, vô tiền khoáng hậu. Chúng ta thấy rằng không chỉ có văn chương, mà thời kỳ 30-45 cũng là một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử nghệ thuật dân tộc. Thời đấy chúng ta có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, những họa sĩ nổi tiếng. Đọc trọn vẹn Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng chúng ta còn thấy cả mối quan hệ của nhà văn với tất cả những nhạc sĩ họa sĩ ấy, chúng ta hiểu được ngoài con đường hình thành con đường văn sỹ của Nguyễn Huy Tưởng chúng ta còn thấy cả chân dung những họa sĩ nghệ sĩ đương thời có tác động đến ông như thế nào. Khi đọc cuốn Nhật ký này, tôi thấy không phải chỉ là một câu chuyện của cuộc đời chân dung một mình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Chúng ta sẽ thấy cả một bối cảnh văn hóa xã hội rất rộng trong đó...." - Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga nhấn mạnh.
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ nhận xét: "Giai đoạn 1930 -1945 là giai đoạn lịch sử rất quan trọng trong lịch sử dân tộc mà rất nhiều nhà văn đã bày tỏ sự tự vấn về mình. Đọc những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng, tôi thấy một điểm rất quan trọng, là nhà văn luôn luôn trăn trở băn khoăn về lẽ làm người của mình. Điều này hình như cũng là một tâm sự chung, một sắc thái chung của rất nhiều văn nghệ sĩ đương thời và có ghi dấu vào những nhân vật trong tác phẩm văn học nữa."
Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga cho rằng đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng thấy một cuộc đời rất chân thực của các nhà văn, và từ đó khám phá lại các tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà văn nổi tiếng trong cách nhìn mới. Chị nhận xét, thấy ở Nguyễn Huy Tưởng “có một đặc điểm mà có lẽ cũng là một phần nào đó phẩm chất mà ông kế thừa từ dòng dõi Nho học của mình. Đó là tính chất phản tư trong người trí thức.... Khi đọc Nhật ký này người đọc sẽ hiểu rõ hơn cái day dứt trăn trở của người trí thức trong xác định một tâm thế làm người, làm thế nào để kiêu hãnh ngẩng cao đầu....
Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng cũng như trong Nhật ký, nhà văn khá nhất quán về tư tưởng sáng tác: đó là tìm về với lịch sử truyền thống dân tộc. Và con đường lựa chọn đề tài lịch sử, tôn vinh lịch sử dân tộc đã trở thành con đường quán chiếu trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng, giúp cho ông có được một phong cách riêng, một vị thế rất riêng trong văn đàn Việt Nam.”
Cuốn sách gồm 3 phần, Phần 1 từ 1938 - 1939: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân. Phần 2, những năm 1940 - 1943: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì và mẹ mất. Phần 3, từ 1943 - trước CMT8 1945: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong. Giữa phần 1 và phần 2 là “Một thiên kí sự” những trang nhật kí về một tháng tân hôn rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng cho biết, tuyển "Con đường văn sĩ" lựa chọn những trang nhật ký từ năm 1938 - 1945, mốc thời gian bộc lộ tập trung con đường văn chương của Nguyễn Huy Tưởng: từ theo đuổi nghề văn, ra đời những tác phẩm lớn, cũng là khoảng thời gian ông đã tham gia rất nhiều những hoạt động xã hội, tham gia truyền bá quốc ngữ, phong trào hướng đạo, đến với mặt trận Việt Minh thông qua việc tham gia vào tổ chức Văn hóa Cứu quốc.
Và từ một người yêu nước, có cảm tình với Đảng, tìm thấy cái đẹp lý tưởng mình có thể theo đuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành cán bộ Việt Minh, một thành viên chủ chốt của Hội văn hóa Cứu quốc, để đến tháng 7/1945 ông được cử thay mặt giới văn hóa đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào - sự kiện rất quan trọng của Việt Minh để ra quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; trở thành một nhà cách mạng.
Và sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã trở thành một lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa Cứu quốc cũng như có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Nói như biên tập viên văn học của NXB Kim Đồng: “Cuốn nhật ký “Con đường văn sĩ” không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách “Con đường văn sĩ” ra đời đúng vào dịp hướng tới kỉ niệm 112 ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng cho thấy sức sống ngòi bút của ông. Những trải nghiệm tư tưởng của ông trên bước đường lập thân lập nghiệp cũng là nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ hôm nay.”
Nguyễn Huy Tưởng đến với công việc viết văn khá muộn. Những năm tháng tuổi trẻ, không cam chịu đời viên chức cạo giấy, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8.1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.