(VOV5) - "Có một thời gian rất dài mọi người nghĩ là Nguyễn Vĩnh Tiến đã bén duyên với nàng nhạc và quên nàng thơ. ..nhưng ngay cả những bài nhạc của anh cũng lấy chất liệu từ thơ anh viết."
Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến được công chúng biết đến nhiều hơn với vai trò nhạc sĩ, tác giả ca khúc Bà tôi, nhưng anh cũng đồng thời là tác giả đã xuất bản nhiều tập thơ, đoạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn.
Anh sáng lập nhóm thơ Hoa lạ năm 1992, chủ trương đổi mới thơ, đi sâu vào "những phi lý" giao thoa các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Vẫn sáng tác thơ đều, nhưng lần này anh trở lại với bạn đọc trong vai trò một nhà thơ, trong một ấn phẩm dày dặn 268 trang, có tên Hỗn độn và khu vườn, do Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành.
Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: “Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhà thơ rất đa dạng. Những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách dày dặn này chỉ là một phần trong vườn thơ sum suê của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, ta sẽ thấy được một giọng thơ riêng, trôi chảy, ý thơ tuột ra như không, bất chấp các ranh giới của thể loại, vần điệu, của cũ và mới, của truyền thống và thể nghiệm.
Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại. Chính vì thế đọc thơ anh người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết bài thơ chốt hạ độc đáo, hay những liên tưởng thú vị của một tâm hồn giàu có”
Chia sẻ về cách viết của mình, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến nói, anh làm thơ theo cảm xúc tự nhiên, nhưng: "Khi mà mình cảm thấy rằng đến đó là hay, là gói gọn hoặc là mở rộng nhất hoặc là bất ngờ nhất, hoặc là tiếng kêu thét lớn nhất của tâm hồn thì tôi sẽ dừng lại."
Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: “Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội, nhớ về ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm… Còn con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.”
Quang cảnh buổi ra mắt tập thơ - Ảnh: fb Nhã Nam. |
Tập thơ Hỗn độn và khu vườn vừa mới xuất bản, được chia làm 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn – Trầm cảm đô thị - Chàng thơ – Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì, và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên..
"Biểu tượng trung du, không gian trung du, tín hiệu trung du, lấp lánh trong rất nhiều những trang viết của Nguyễn Vĩnh Tiến…" BTV Diệu Thủy nói.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học, TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng: cần đặt sáng tác của Nguyễn Vĩnh Tiến vào không gian những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với những tác giả như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tường Vân…, đặc biệt bắt đầu từ Nguyễn Quang Thiều, đã cố gắng xây dựng hình ảnh nông thôn, khai thác các chất liệu về văn hóa tâm linh của người Việt không theo kiểu truyền thống, mà lạ hóa nó qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực.
Như TS Trần Ngọc Hiếu nói vui, tài năng Nguyễn Vĩnh Tiến khởi phát chính từ cái gốc gác một người “nhà quê Việt Nam thông minh”, từ gốc gác trung du Phú Thọ. "Cái hay chính là chỗ đấy, khi mà nhạc và thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến tìm đúng điểm này. Và dù tìm tòi thế nào đi chăng nữa, nhà thơ vẫn nên giữ cái chất tự nhiên ẩn chứa. Thơ và nhạc của anh rất thú vị, và nó chỉ thú vị khi nào anh thể hiện được đúng con người của anh dựa trên sự gợi ý ngẫu nhiên của ngôn từ và một trực giác rất mạnh.
Có một thời gian rất dài mọi người nghĩ là Nguyễn Vĩnh Tiến đã bén duyên với nàng nhạc và quên nàng thơ. Có lẽ tôi là một trong không nhiều người nhận ra rằng ngay kể cả những bài hát của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng lấy từ chất liệu những bài thơ của anh ấy. Ví dụ như bài hát Bà tôi chẳng hạn, thì đoạn điệp khúc của nó thực ra bắt đầu từ bài thơ Héo mòn một xâu của anh.”
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu đánh giá, Khi Nguyễn Vĩnh Tiến viết về cha, về mẹ luôn luôn ra đời những bài thơ cực kỳ có chất lượng. Bởi vì có một sự kết nối giữa nhà thơ với cái vô thức của tập thể, chẳng hạn cái vô thức của văn hóa dân gian, của văn hóa trung du với những kinh nghiệm, những trải nghiệm cá nhân của mình. Vì thế khiến cho nhiều bài thơ trong tập này, đặc biệt là chương Hoa nở không tên, có những bài khai thác theo âm hưởng của đồng dao, mang một sức hấp dẫn với bạn đọc.