(VOV5) - Bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu của nhà thơ Thế Lữ, là người đã góp công sưu tầm, số hóa toàn bộ các số báo Phong hóa và Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn
Buổi thuyết trình của bà Phạm Thảo Nguyên, người Việt hiện sinh sống ở Mỹ về Tự lực văn đoàn vừa diễn ra tại Tại khoa Sử trường Khoa học xã hội và nhân văn.
Bà Phạm Thảo Nguyên (nhũ danh Phạm Thị Thảo), con dâu của nhà thơ Thế Lữ, là người đã góp công sưu tầm, số hóa toàn bộ các số báo Phong hóa và Ngày nay lừng lẫy đầu thế kỷ 20 của nhóm Tự lực văn đoàn, để tặng cho các trường Đại học trong và ngoài nước; đồng thời, cũng là người có những bài khảo cứu sâu về đóng góp của Tự lực văn đoàn cũng như nhà thơ Thế Lữ với những góc nhìn khách quan từ lịch sử gia đình đến xã hội Việt Nam thời kỳ đó.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà nghiên cứu Phạm Thảo Nguyên (ảnh: internet) |
PV: Thưa bà Phạm Thảo Nguyên, bài nói chuyện về Tự Lực Văn Đoàn và cuộc canh tân văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX tại Hà Nội lần này có điểm gì khác biệt?
Bà Phạm Thảo Nguyên: Điểm khác là tôi nói về cái thời trước khi Tự lực văn đoàn xuất hiện, khoảng thời gian người Pháp bắt đầu đến Việt Nam, khi chữ Quốc ngữ bắt đầu được biết tới, lần đầu tiên có báo chí trong thời buổi đó của ông Trương Vĩnh Ký.
Bà đến với công việc khảo cứu văn học, nhất là khảo cứu Tự lực văn đoàn từ những ấn phẩm báo chí nổi tiếng Phong hóa, Ngày nay như thế nào?
Ngày xưa tôi chỉ là một giáo viên trung học môn toán. Tôi học Đại học sư phạm toán, rồi dạy toán, những năm sau cùng trước khi rời Việt Nam, tôi dạy ở trường Gia Long. Làm con cái trong nhà nên cái nào có thì tôi đọc vậy thôi. Dần dần tôi viết những bài nhỏ. Rồi đến những nghiên cứu để tìm lại báo Phong Hóa, Ngày nay. Khi chúng tôi có ít sách vở của Phong Hóa, Ngày Nay, chúng tôi liên kết với các anh chị ở khắp nơi, đầu tiên là để tìm lại những số báo Phong Hóa, Ngày Nay đã. Khoảng những năm 2010 trở đi tôi mới bắt đầu viết bài.
Thưa bà, tôi nhớ ấn tượng về bài Mẹ chồng tôi, bà thuật lại câu về mẹ chồng mình, cũng là người vợ cả của nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ. Câu chuyện khi ra đời. là những khám phá mới với độc giả, và giọng văn của người viết vừa khúc chiết, vừa thể hiện được cái cốt cách rất đẹp của những con người mà vốn văn hóa đã chảy trong huyết quản rồi.
Bài thứ nhất mà tôi viết là Mẹ chồng tôi. Vì phải viết. Không thì người ta không hiểu gì về cụ cả. Đến lúc tìm xong Phong Hóa, Ngày nay thì tới dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Tự lực văn đoàn, chúng tôi cùng với các anh các chị tổ chức, đầu tiên làm một triển lãm về Phong hóa, Ngày nay ở Cali. Lúc bấy giờ tôi viết thêm một số bài, như Đi tìm gốc gác của Lý Toét… Kỳ hội thảo đó, bài khảo cứu lớn của tôi là bài Tự lực văn đoàn, những điều chưa nói.
Bà có viết: "Mục đích bài biên khảo này là tìm hiểu việc xây dựng báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thập niên 1930, đưa đến việc hiện đại hoá nghề báo và thúc đẩy nguyên một cuộc cách mạng văn chương, văn hoá Việt Nam. Đồng thời khám phá sự thực về đời sống của thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cái phần xưa nay vẫn bị hiểu lầm"?
Thật sự là tôi đi tìm hiểu, để cho tôi hiểu về Tự lực văn đoàn trước đã. Tuy lúc cụ Thế Lữ còn sống tôi đã được làm con dâu của cụ, được sống với cụ một thời gian nhưng không được bao nhiêu lâu. Mà lúc bấy giờ cũng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ đi làm khảo cứu để hỏi han cụ, trừ một vài trường hợp nói chuyện trong gia đình thôi.
Đi tìm Phong hóa, Ngày nay cùng các anh chị, nhất là trong gia đình bên nhà Nguyễn Tường, rồi anh Nguyễn Trọng Hiền bên nhà ông Le Mur. Sau đó tôi đã cùng anh Hiền đi tìm lại bộ Phong hóa, Ngày nay để thành một bộ đầy đủ, với những số báo đều được số hóa. Đến năm 2012 chúng tôi làm xong việc đó, và đưa lên mạng nhiều trường đại học, và biếu những trường, những thư viện lớn trên thế giới.
Được biết là bà sắp ra một cuốn sách mới có nội dung về về Tự lực văn đoàn, cũng như câu chuyện áo dài Lemur của ông Cát Tường và cuộc cách tân văn hóa xã hội Việt Nam 1930-1945?
Cuốn sách là những bài tôi đã làm từ xưa đến giờ. Bây giờ tôi gom lại, và tôi thấy rằng nó là những cái mẩu của đời sống Tự lực văn đoàn, của Phong hóa, Ngày nay; nhưng mà gộp lại thì nó vẫn đi cùng một mục đích: Đầu tiên có một phần nói riêng về cuộc đời và sự nghiệp của ông Le Mur – tuy rằng gọi là của ông Cát Tường, nhưng cũng là thể hiện một bước đi của Phong hóa, Ngày nay. Còn phần tổng quát, là những tờ báo Phong hóa, Ngày nay đã đóng góp cho công cuộc thay đổi, cách tân văn học Việt Nam. Công việc cách tân đó, phần đóng góp của Tự lực văn đoàn đó, là mục đích của cuốn sách của tôi. Tự lực văn đoàn đã làm được những gì để góp phần thay đổi, cải tạo lại xã hội, nhất là những điều xấu xí? Tổng hợp lại thành ra cuốn sách mới đó.
Xin trân trọng cảm ơn bà.
"Riêng về mẹ chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng bố đã về với mẹ với gia đình trong mười hai năm cuối đời, là điều quý nhất cho mẹ. Danh tiếng, mẹ chúng tôi không cần, mẹ biết là “người đi đã trở về” là đủ. Để tôi đọc lại, chia sẻ với độc giả một chút “thư mới” của thi sĩ “thơ mới” viết cho các con ở xa, về người vợ tào khang của mình:
“…Mẹ con cũng như những dịp nhận thư trước, bao giờ cũng tỏ một dấu hiệu rất đơn sơ nhưng rất cảm động, là thỉnh thoảng lại giở ra đọc lại, và luôn tiện đọc thêm những bức thư gửi về từ trước đó.
Cậu để cho những cảnh tượng lặng lẽ ấy thấm thía vào tâm hồn…”
Tới bây giờ, bố mẹ chúng tôi đã mất cả rồi, lâu rồi. Bốn anh em cũng đã ra đi hết, những người đó chưa bao giờ cần giải thích cho ai cả. Còn tôi, tôi phải viết những dòng này vì cuộc đời âm thầm của mẹ chồng tôi, không nên để âm thầm mãi, như thế không công bằng. Và để các con, các cháu hiểu, thương và hãnh diện vì cụ.
Chúng tôi vừa nhận được tin :
Cụ Phạm thị Nghĩa, tức Nghệ sĩ Nhân Dân Song Kim vừa qua đời, vào tháng 11 năm 2008. Chúng tôi ở xa không về được, chỉ biết vọng về thương cảm, và cầu nguyện cho hương linh cụ bà sớm được siêu thoát, thanh thản về cõi tịnh.
Nếu chúng ta do những nhân duyên riêng đã được gần gũi, được hiểu, được sống với một vài vị thuộc thế hệ đã trở thành xưa cũ đó, ta sẽ cảm được số phận riêng của mỗi người. Những người đó sinh ra, lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội rất khó khăn, khác của chúng ta ngày nay nhiều lắm. Những suy nghĩ, những hành động của họ nhiều khi không hợp với ý nghĩ của nhiều người hiện đại … Mong rằng, họ không bị những người ngày nay soi xét.. Họ đã sống qua những hạnh phúc, cũng như những cay đắng, những tủi hờn... Họ đã khai phá, đã làm việc, đã thương yêu, đã hy sinh, đã chịu đựng những ràng buộc, những khổ đau nhiều khi triền miên tưởng chừng như không bao giờ rứt…
Thương biết bao nhiêu, kính phục biết bao nhiêu"
(Trích đoạn kết bài “Mẹ chồng tôi – bà Thế Lữ” của tác giả Phạm Thảo Nguyên)
|