“Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề” là cuốn hồi ký của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch, nhưng đặc biệt nó được lưu ý tới chính bởi những ký ức lịch sử sống động mà chính sử không có được, thông qua đời sống của những cá nhân cụ thể trong dòng lịch sử đó, thông qua cách kể chuyện đầy chất văn chương.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu về cuốn sách, có sự tham gia của tác giả Hoàng Hữu Phê và các diễn giả: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu xã hội học Khuất Thu Hồng, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà thơ Bằng Việt, kiến trúc sư Lê Quang.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê |
Tác giả Hoàng Hữu Phê là kiến trúc sư và nhà quy hoạch, nhận bằng tiến sĩ quy hoạch đô thị năm 1998 tại London (Anh) và đã công bố quốc tế nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực kiến trúc, cấu trúc đô thị, tôn tạo đô thị và chính sách nhà ở. Hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề kể về tuổi ấu thơ và quá trình trưởng thành của một cậu bé ở Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh, sau đó trở thành du học sinh, nghiên cứu sinh được khám phá những chân trời tri thức mới và lựa chọn quay trở về Việt Nam để làm việc.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: "Đây là một cuốn sách hấp dẫn được nhiều người, vì qua câu chuyện của một người ta thấy câu chuyện của nhiều người, một thế hệ, lớn hơn một chút là câu chuyện của một thời đại, mà được viết bởi một người làm nghề kiến trúc nhưng lại rất là văn."
Xuất thân trong một gia đình trí thức có “nòi”, có truyền thống thi thư, truyền thống về ngoại ngữ, Hoàng Hữu Phê cũng từng là một dịch giả văn học Nga. Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt, người đã cùng chia sẻ, đồng hành với một Hoàng Hữu Phê – dịch giả trong hành trình dịch thuật, kể lại, ông biết Hoàng Hữu Phê đã 40 năm, từ thời ông dịch cuốn Thao thức của Aleckxandr Kron: "Thời đó tôi làm biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, của Hội Nhà văn.
Anh Phê khi ấy rất trẻ, trên dưới 30 tuổi thôi nhưng mà sự sôi nổi, say mê với văn học của anh đã thuyết phục tôi. Và tôi cảm thấy có thể giao cho anh dịch được những tác phẩm lớn, hoàn toàn tin tưởng vào khả năng ngoại ngữ cũng như trình độ thẩm thấu vào văn bản của anh. Quả nhiên lòng tin của tôi không hề sai lầm chút nào. Và khi cuốn Thao thức ra đời thì anh Phê đã chứng tỏ được mình chỉ mới ở cuốn sách đầu tiên nhưng đã là một dịch giả rất có tay nghề, một dịch giả thực thụ. Cuốn sách đó sau đó đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng có thể nói cuốn Thao thức của Aleckxandr Kron đồng thời mở ra một loạt tác phẩm sau này làm nên danh tiếng của NXB Tác phẩm mới, tiền thân của NXB Hội nhà văn sau này."
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhấn mạnh về những nét độc đáo của Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề: "Cái độc đáo thứ nhất, từ tên gọi Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề, tạm gọi đây là một cái độc đáo vi tế, cái độc đáo thứ hai có thể dùng ngôn ngữ kiến trúc là cấu trúc tổng thể. Vì cuốn sách này theo tôi thực ra gồm một trong ba, có phần tự truyện và hồi ký - đây có thể là một cuốn sách riêng tuổi thơ của Hoàng Hữu Phê; cuốn thứ hai có thể tạm gọi là Để có những công trình kiến trúc để đời, có hồn. Và cuốn thứ ba là thơ. Có lẽ thơ ông Hoàng Hữu Phê, nếu in ra cũng không kém rất nhiều nhà thơ khác."
Dịch giả, kiến trúc sư Lê Quang thì nhận xét, cuốn sách của Hoàng Hữu Phê có những câu chuyện hay, những điều hấp dẫn cả người trẻ, cả bạn đọc sống ở nước ngoài. Và hơn nữa, anh nhận ra do người viết là một kiến trúc sư, cấu trúc Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề cũng có những hình dung như một công trình kiến trúc: "Cấu trúc trong cuốn sách nó giống cấu trúc trong một đồ án, trong một công trình, phải có chỗ sáng chỗ tối, phải có chỗ đặc chỗ rỗng, phải có chỗ cay đắng và phải có những chỗ ngây thơ... Như thế mới hay."
Hoàng Hữu Phê chia sẻ, cách viết lúc đầu chỉ đơn giản là những ghi chép, để cho con cháu mình có thể hiểu về những gì đã diễn ra. Ông không có ý định viết tác phẩm văn học mà là viết để nhớ lại, để bạn đọc kiểm chứng lại trên facebook: "Tôi nghĩ rằng là có rất nhiều thứ mà lớp con sau này có thể nhìn sự vật một cách hoàn toàn bỏ qua những cái ẩn ức khác, những cái yếu tố khác mà tôi nghĩ lẽ ra chúng cần phải biết. Chuyện viết cuốn sách ban đầu nó không hình thành như một cuốn sách, mà như là một cuốn lịch sử gia đình. Cháu đích tôn của tôi có mẹ người Ý, và hai cháu ngoại của tôi có bố người Pháp dân châu Phi. Tất cả các cháu đều rất tò mò muốn biết. Các cháu kể cả cháu nội cháu ngoại nói 4 thứ tiếng. Nếu như các cháu lớn lên một chút nữa thì nhu cầu hiểu biết về nguồn gốc của bố mẹ chắc là rất lớn. Tôi định viết như vậy. Nhưng sau một thời gian đăng lên Facebook để một phần chia sẻ với bạn bè, một phần để kiểm chứng xem mình có quên cái gì không, thì rất may là có rất nhiều người điều chỉnh cho tôi."
Và khi viết, ông ý thức rất rõ về cách viết cấu trúc dòng thời gian, để tiếp cận gần nhất với sự thật: "Ở đây nếu người đọc để ý thì sẽ thấy một cách dùng có lẽ là ít khi dùng trong các tác phẩm gần với văn chương, tức là cách mà tôi trích dẫn về ngày tháng. Khi nói nhân vật lịch sử hay một biến cố nào đấy, thì đây không phải là hư cấu nên tôi đề ngày tháng rất rõ. Cách đấy khiến cho tôi tái lập được một cái dòng chảy của thời gian."
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đọc tác phẩm từ góc độ một người cùng thế hệ, và một nhà nghiên cứu xã hội, học, nhận thấy tác phẩm hấp dẫn khi từ số phận con người để thấy được một thế hệ đầy nghị lực, khát vọng vươn lên và cống hiến: "Đọc tác phẩm của anh Phê tôi cũng thấy hình bóng của mình ở đó. Tức là cuộc sống của những đứa trẻ như chúng tôi thời kỳ đó, lang thang nơi này nơi khác và chiến tranh thì ở trên đầu. Mình sống ở đây nhưng dõi theo những người đang ở chiến trường hay là những người mà còn chưa được đoàn tụ với gia đình. Cái cảm giác đấy nó theo tôi trong câu chuyện của anh Phê, nhắc nhớ tôi đến những gì mà tôi cũng đã trải qua.
Câu chuyện của anh Phê, là của riêng anh ấy nhưng nó cũng khá điển hình cho một nhóm trong thế hệ của chúng tôi, những người trải qua rất nhiều những khó khăn của chiến tranh, của thời bao cấp mà vẫn có thể làm nên những điều tốt đẹp cho cá nhân mình và cho xã hội. Những câu chuyện của anh Phê rất là cá nhân, xoay quanh anh, xoay quanh gia đình của anh nhưng nó lại đặt trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh, của những tàn phá, của những bom đạn, của những ly tán, mất mát. Nó sống động vô cùng. Nó là những trang sử mà tôi nghĩ rằng chúng ta không thể tìm ở bất kỳ một cuốn chính sử nào. Điều mà tôi thích nhất ở đấy chính là anh vượt lên nghịch cảnh của mình, tách rời cuộc sống của mình cho dù anh hiện diện ở đấy, và không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào, cái cách mà tách khỏi cuộc sống của mình để theo đuổi, để ước mơ."
Nhà thơ Bằng Việt cũng thấy những sự tương đồng: "Trên thế giới có rất nhiều cuốn sách viết về một gia đình thôi, từ lịch sử của gia đình, thậm chí cả một gia đình mấy đời mà trở thành một tác phẩm có tầm vóc thế giới. Tôi không ngạc nhiên, tôi thấy có thể chỉ từ chi tiết của gia đình, con cái, bản thân vợ chồng mình thôi mà tác giả có thể gói được rất nhiều điều tác giả muốn nói về đất nước, về con người, thậm chí cả nhân loại trong những năm mình sống nữa. Đấy cũng là cách khai thác rất hay."
Giám đốc NXB Phụ nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng, nói về tâm thế đọc của những người đọc ở thế hệ sau, khi lật giở từng trang của Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề: "Cảm xúc thứ nhất là của một người đọc ở thế hệ sau, mình có cảm nhận rất đặc biệt về những thế hệ đi trước Ở đây cụ thể như thế hệ nhà văn Hoàng Hữu Phê, đã trải qua chiến tranh và thích nghi sau chiến tranh như thế nào, đã xây dựng sự nghiệp thành công ra sao...Khi đọc những câu chuyện như thế này, mình cảm nhận được tất cả những nỗi khó khăn, gian khổ của thế hệ đi trước. Nhưng đồng thời mình cũng thấy được một niềm tin mãnh liệt vào tri thức của người Việt Nam".
Như bà Khúc Thị Hoa Phượng đánh giá, “Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề” do một tác giả không chuyên nghiên cứu lịch sử viết nhưng giàu tính tư liệu, đậm chất văn chương. Cuốn sách như một gợi ý cho nhà xuất bản khai thác thể loại này, một thể loại có thể giúp kết nối nhiều thế hệ bạn đọc."