Chợ quê ngày Tết

(VOV5) - Chuối, bưởi, lá dong, hoa quả... là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ quê ngày Tết. Dù đón Tết ở nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam cũng cảm nhận được hồn quê trong phiên chợ ngày Tết.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Mỗi dịp Tết đến cứ vào khoảng 23 tháng chạp trở đi thì không khí chuẩn bị cho ngày Tết trở nên náo nhiệt hơn, tấp nập người bán, người mua. Nếu chợ Tết ở các phố phường luôn tràn đầy màu sắc của hoa, của các món đồ trang trí Tết rực rỡ… thì chợ Tết ở quê lại mang nét bình dị và hết sức gần gũi, thân thương với những nải chuối, buồng cau, quả cam, quả bưởi ... hay với những đôi quang gánh, trong đó chỉ có vài bó rau, những món quà quê của các bà, các mẹ. Tất cả đều là sản vật cây nhà lá vườn khiến cho người đi chợ Tết cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và mộc mạc, chân chất của thôn quê. Bà Nguyễn Thanh Vân, một người bán hàng ở phiên chợ quê huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết:“Tôi bán những mặt hàng như ngô luộc, khoai luộc, bánh gio, bánh giò, bánh chưng, bánh cuốn…Tôi thấy phiên chợ rất vui, rất đông và mọi người rất thích thú để thưởng thức các món quà quê một cách háo hức".


Chợ quê ngày Tết - ảnh 1
Điểm đặc trưng của khu chợ là những quầy hàng cũ, được xây dựng từ cách đây hơn 30 năm. Ảnh: news.zing.vn



Không khí chợ quê những ngày cận Tết càng trở nên nhộn nhịp, người dân kéo nhau đi họp chợ đông. Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng. Nhưng vào dịp Tết người đi chợ đông gấp bội do nhu cầu mua sắm của người dân nhiều hơn nên chợ có thể họp cả ngày. Các bà, các mẹ lo mua lá chuối, lá dong, củ hành, củ kiệu, trái cây để bày mâm ngũ quả và những món đồ cần dùng vào những ngày Tết. Chị Nguyễn Kim Tiến, bán hàng ở chợ quê huyện Thanh Oai, Hà Nội, chia sẻ:“Tôi bán các loại dao, kéo hay các đồ làm bằng mây, tre…Tôi thấy không khí Tết ở chợ quê rất nhộn nhịp, sôi động, rất nhiều người đến mua hàng".

.

Chợ quê ngày Tết - ảnh 2
Chợ họp một tháng 12 phiên vào các ngày có số đuôi 2,3,5,7 âm lịch. Và phiên chợ ngày 27 tháng chạp luôn là phiên chợ lớn nhất năm khi những người nông dân mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán.Ảnh: news.zing.vn



Ở chợ quê, các nam nữ thanh niên mua sắm những món đồ để trang trí nhà cửa và quần áo để đi chơi trong dịp Tết. Còn các em nhỏ thì tung tăng, thích thú với sự nhộn nhịp và những màu sắc của những món đồ chơi dân gian. Bà Nguyễn Thị Tường, chủ quầy hàng bán dồ chơi dân gian, cho biết:“Tôi bán mặt hàng tò he cho trẻ con ở chợ quê. Tôi thường nặn hình hoa, con gà, rồng…Hình gì các bé cũng thích.”


Ngày nay, cuộc sống ở thôn quê đã phát triển hơn, hiện đại hơn nhưng nét dân dã, bình dị trong phiên chợ quê ngày Tết thì chắc hẳn nếu ai đã từng chứng kiến ở bất cứ làng quê nào của Việt Nam, sẽ luôn giữ được những ấn tượng thú vị, đặc trưng rất riêng. Và đối với nhiều người đi làm ăn xa, về quê đón Tết, luôn cố gắng để được hòa vào dòng người đi phiên chợ Tết mà mỗi năm chỉ có một lần, để tìm thấy hồn quê và tìm về miền ký ức tuổi thơ. Bạn Nguyễn Thị Tý, một người đi chợ quê, chia sẻ:“Tôi thấy phiên chợ quê ngày Tết rất dân dã, bán những đồ chuẩn bị cho Tết như lá dong để gói bánh chưng, hay những món ăn như bánh rán, bún… Tôi thấy phiên chợ quê rất chân thực.”

Chợ quê ngày Tết - ảnh 3
Không ưa chuộng hoa tươi hay quất, đào như trung tâm Hà Nội, người dân nơi đây vẫn chọn hoa nhựa vì giá rẻ và dùng được nhiều năm.Ảnh: news.zing.vn


Chợ Tết quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất và cả mai vàng… Phiên chợ ngày Tết không chỉ là nơi trao đổi, mua bán những sản vật vườn quê, mà đây còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ.


Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm chuẩn bị để đón chào năm mới. Phiên chợ Tết cũng là một dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Phản hồi

Các tin/bài khác