Hiệp định Geneva - động lực cho Ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới
(VOV5) - Xét trong bối cảnh mới, Hiệp định Geneva đã tạo động lực để ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong.
Hôm nay (21/07) là tròn 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva về đỉnh chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/07/1954 - 21/07/2024). Theo các chuyên gia nghiên cứu, Hiệp định Geneva đem đến những bài học quý giá, trở thành động lực cho Ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Geneva và ngay sáng sớm ngày 8/5 (giờ Geneva), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Theo Phó Giáo sư Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nghệ thuật trong ngoại giao là biết dừng ở đâu, lúc nào cương lúc nào nhu, và đặc biệt là nắm vững thời cơ để giành lợi thế quan trọng trong kiến tạo hòa bình, giải quyết các bất đồng, xung đột. Ông nhận định sách lược ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Geneva chính là cơ sở để Việt Nam phát huy chiến lược ngoại giao cây tre trong thời kỳ Đổi mới: “Đặc thù cây tre là gốc rất chắc, bám rễ rất chặt. Đó chính là truyền thống ngoại giao của nước ta, từ các nghệ thuật ngoại giao, bản lĩnh ngoại giao ở thời 45-46, hội nghị Geneva, Hội nghị Paris. Đó là gốc. Còn cái thân cây tre thể hiện lợi ích quốc gia dân tộc, thể hiện quan điểm của chúng ta về thế giới. Thân phải bền. Ngọn uyển chuyển chính là nghệ thuật ngoại giao dĩ bất biến ứng vạn biến. Chúng ta giữ cái gì và nhân nhượng gì trong đàm phát quốc tế. Đàm phán quốc tế bây giờ không chỉ liên quan đến chính trị, quân sự, không chỉ biên giới mà còn về kinh tế văn hoá, xã hội".
Phó Giáo sư Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao. Ảnh: Sơn Tùng |
Xét trong bối cảnh mới, Hiệp định Geneva đã tạo động lực để ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tham gia cùng quốc phòng, an ninh và cả hệ thống chính trị vào việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Ông Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh: “Đối với thế hệ bây giờ, việc thấm nhuần, hiểu đúng tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của những bài học đó và vận dụng như thế nào vào thực tiễn của đối ngoại ngoại giao Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vừa phải bám vững những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc trong bài học đó, nhưng mà vận dụng cũng phải sáng tạo và hiệu quả, xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại”.