(VOV5) - Giả tưởng như Mùa hè kỳ diệu, mộng mơ như Khu rừng bánh kem, những câu chuyện về hành trình khám phá của trẻ thơ với giá trị của cuộc sống,
Nhà văn Đinh Tiến Luyện là tác giả quen thuộc với độc giả thiếu nhi và tuổi mới lớn từ trước 1975 đến nay, qua các tác phẩm như Suối đá mây, Quê hương mật ong, Anh Chi yêu dấu, Vuông cỏ hẹn, Bầy chim trắng trong sân trường.... Ông là cây bút chủ lực gắn liền tên tuổi với tuần báo văn chương Tuổi Ngọc nổi tiếng một thời. Sau thời gian nghỉ “dưỡng văn”, Đinh Tiến Luyện trở lại với bạn đọc nhỏ tuổi qua truyện dài Mùa hè kì thú.
Mùa hè, khi các cậu bé và cô bé về quê thăm ông bà hay đi du lịch cùng bố mẹ, Bi lại có một chuyến đi vô cùng kì diệu: Bố làm cho Bi một con diều thật to, thế là theo gió, chú diều đưa Bi bay đến những vùng đất không thể đoán trước.
Vượt qua ranh giới không gian và thời gian, Bi đến vùng quê hẻo lánh, hòa mình cùng các trò chơi dân dã. Rồi Bi xoay ngược thời gian, đánh bạn cùng hậu duệ của Thạch Sanh và Lý Thông. Trong một chuyến bay khác, Bi lạc vào thế giới của các nhân vật hoạt hình Walt Disney… Cứ thế, mỗi điểm dừng chân của Bi lại mở ra một khung cảnh bất ngờ, khiến cậu bé phải phán đoán và hành động thật nhanh.
Hành trình trong Mùa Hè kì thú chính là hành trình khám phá, khi một cậu bé đối diện với những vấn đề sâu sắc của cuộc sống và con người.
Nhà văn Đinh Tiến Luyện chia sẻ về tác phẩm: “Từ quá khứ tới thực tại, từ thế giới cổ tích sang thế giới ảo… Mỗi chương trong quyển sách này là một câu chuyện riêng biệt, trong đó tôi gửi gắm các thông điệp về tình yêu gia đình, tình bạn gắn bó, ý thức bảo vệ môi trường, lòng cảm thông và chia sẻ giữa người với người trong cuộc sống hiện đại hôm nay.”
Bên cạnh nhà văn gạo cội Đinh Tiến Luyện, tác giả trẻ Trương Huỳnh Như Trân gửi đến 24 câu chuyện xoay quanh cô bé Nghé năm tuổi trong truyện vừa Khu rừng bánh kem.
Khu rừng bánh kem đầy ắp mộng mơ, bởi vì đôi mắt trẻ thơ nhìn mọi thứ trong veo khác lạ. Nhưng để ý, sẽ thấy tất cả đều gắn với những nét sinh hoạt thường ngày, gần gũi của mỗi đứa trẻ lên năm lên bảy: Cái răng sữa lung lay sắp thay, thổi nến ngày sinh nhật, chơi chung đồ chơi, ngắm đám mây xếp hình trên trời, về quê thăm ông bà, tập ghi nhật ký… Biến những điều bình dị thành bay bổng và cuốn hút như thế, chính là nhờ tài quan sát tinh tế và tình yêu lớn dành cho trẻ em của tác giả Trương Huỳnh Như Trân.
|
Nhà văn Trần Đức Tiến, người có nhiều thành tựu ở mảng sáng tác cho thiếu nhi, nhận định: “Khu rừng bánh kem giống như những trang nhật kí đầu đời của một cô bé – những trang nhật ký được viết giùm bằng trái tim của một người mẹ. Có lẽ vì thế mà cuốn sách giàu ý nghĩa nhưng vẫn hồn nhiên, tình cảm, hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi như… bánh kem ngon lành! Đây là một cố gắng, một thành công bước đầu đáng ghi nhận của Trương Huỳnh Như Trân. Bởi thoát ra khỏi ám ảnh của những bài học khô khan là điều mà không phải cây bút viết cho thiếu nhi nào cũng làm được”.
Tác giả Trương Huỳnh Như Trân là tác giả viết cho thiếu nhi với các tác phẩm văn học và tranh truyện như Truyện hay sử Việt (2013), Cùng Mi & Nô học lễ giáo (2013), Cuộc phiêu lưu của bồ công anh (2016), Bộ kỹ năng ứng xử - Lá thư mật mã (2017) và Chuyện ở rừng vi vu (2017).