Tỉnh Đồng Tháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử

(VOV5) - Các câu lạc bộ đờn ca tài tử càng có nhiều càng giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên có cơ hội phát huy khả năng của mình.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 5/12/2013. Mặc dù không phải là cái nôi của Đờn ca tài tử như tỉnh Bạc Liêu, nhưng tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này, đưa loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng ở địa phương.
 Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Hiện, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có 37 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với tổng số 426 thành viên. Đều đặn vào tối thứ Bảy hằng tuần, tại Công viên Hai Bà Trưng, các thành viên của câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh tổ chức sinh hoạt, tập luyện, biểu diễn Đờn ca tài tử. Tại đây, người dân và du khách sẽ được thưởng thức các bài đờn ca tài tử truyền thống, như: “Lưu thủy trường”, “Cổ bản vắn”, “Tây Thi vắn” (Bắc), “Long ngân”, “Xàng xê” (Hạ), “Nam xuân”, “Nam ai”, “Phụng hoàng”.

Chị Mai Thanh Loan, nghệ sĩ không chuyên đến từ phường 6, thành phố Cao Lãnh, chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã đam mê môn nghệ thuật này và cũng yêu thích. Ban đầu, tôi tập  ca hát nhưng mà hồi đó còn hát thiếu nhạc cụ cho nên đờn hát nhịp phách không chuẩn. Sau này, môn nghệ thuật này bắt đầu thịnh hành hơn, đam mê, tôi trở lại tập dượt những bài ca mình yêu thích nhất cho nhịp nhàng, cho chuẩn, để mỗi lần mình đi ca hát hoặc có tham dự các liên hoan, giao lưu với anh em gần xa để học hỏi thêm".

Tỉnh Đồng Tháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử - ảnh 1Thành phố Cao Lãnh tham gia liên hoan đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp năm 2022 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức - Ảnh: VOV

Thành phố Cao Lãnh là nơi sản sinh ra nhiều Nghệ nhân Ưu tú Đờn ca tài từ, như: Hồng Tâm (nghệ danh Thu Ba), Đinh Văn Lợi, Phạm Hùng Minh, Đinh Văn Trường. Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh là Nghệ nhân Ưu tú Thu Ba, người 63 tuổi đời và có 45 năm tuổi nghề, chia sẻ: "Khoảng 2 năm gần đây, nghệ thuật đờn ca tài tử ở tỉnh Đồng Tháp phát triển mạnh. Bản thân tôi cũng vận động anh em trong câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi nhân rộng mô hình câu lạc bộ đờn ca tài tử rồi tuyên truyền, giúp đỡ, cùng dìu dắt nhau đi lên vậy đó. Hiện giờ, tôi đang dạy một mười mấy cháu bé, truyền dạy đờn ca tài tử, làm sao cho lớp kế thừa với các câu lạc bộ phải học nhanh, học tiến bộ".

Các câu lạc bộ đờn ca tài tử càng có nhiều càng giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên có cơ hội phát huy khả năng của mình. Chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để các câu lạc bộ đờn ca tài tử giao lưu, biểu diễn, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Bà Ngô Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 6, thành phố Cao Lãnh, cho biết: "Phường 6 có 1 câu lạc bộ đờn ca tài tử. Câu lạc bộ này hằng tuần cũng tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ khác. Trong thời gian tới, phường sẽ tạo điều kiện hơn nữa để cho câu lạc bộ đi giao lưu, tham gia các hội diễn, hội thi do thành phố cũng như các nơi khác tổ chức. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm kinh phí để duy trì cho hoạt động của câu lạc bộ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ củng cố, kiện toàn lại nhân sự câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các khu dân phố".

Ngành văn hóa tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử. Tỉnh mở thêm các lớp tập huấn, tổ chức hội thi Đờn ca tài tử, đặc biệt, đưa Đờn ca tài tử vào biểu diễn tại lễ hội, sự kiện văn hóa của tỉnh, như: Tuần lễ Văn hóa du lịch tỉnh, lễ hội làng hoa Sa Đéc, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường (ông bà có công khai hoang lập ấp thế kỷ XIX lập nên địa danh thành phố Cao Lãnh ngày nay). 

Tỉnh Đồng Tháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử - ảnh 2Giao lưu đờn ca tài tử tại Quảng trường Công viên Văn Miếu, Cao Lãnh, Đồng Tháp - Ảnh: VOV

Ông Ngô Hoàng Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Cao Lãnh, cho biết: "Trong thời gian tới, Trung tâm tham mưu cho lãnh đạo Thành phố Cao Lãnh đưa các nội dung giao lưu đờn ca tài tử vào chương trình công tác của năm, nhằm tạo sân chơi để cho các nghệ nhân có dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm với nhau, góp phần thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử của các đơn vị. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ là cầu nối kết nối giữa các câu lạc bộ đờn ca tài tử của thành phố với câu lạc bộ đờn ca tài tử các đơn vị bạn, trong và ngoài tỉnh, để từ đó đưa phong trào đờn ca tài tử thành phố Cao Lãnh ngày càng phát triển".

Đờn ca tài từ lâu nay là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Đất Sen hồng. Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến giai đoạn 2024 - 2025 có từ 50% - 70% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp xã. Duy trì tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh mỗi năm 1 lần; Sưu tầm, in, phát hành tuyển tập “Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp” số lượng 1.000 bản.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác