(VOV5) - Được triển khai trong vòng hai năm, từ 2022 đến 2024, dự án Chia sẻ và Gìn giữ Di sản Việt Nam cho thấy kết quả tổng thể rất khả quan ở nhiều khía cạnh.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Dự án Chia sẻ và Gìn giữ Di sản Việt Nam do Quỹ Đoàn kết các Dự án Đổi mới (FSPI) của Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ và được Bộ phận Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo các đối tác Việt Nam và tăng cường hợp tác với các bảo tàng Pháp.
Các diễn giả tại buổi họp báo tổng kết Dự án - Ảnh: Nguyễn Hồng |
Với số tiền đầu tư khoảng hơn 17 tỷ đồng, dự án Chia sẻ và Gìn giữ Di sản Việt Nam đã có sự tham gia của hơn 230 cán bộ, 20 đơn vị cơ sở văn hóa tại Việt Nam. Hơn 120 sinh viên tại 4 trường đại học tại TP.HCM được chia sẻ về dự án trong 70 giờ.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet cho biết: dự án này tiếp nối những hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề mở ra những dự án hợp tác mới ngay trong năm 2025. Đại sứ Olivier Brochet cho biết: "Việc Pháp hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực di sản và bảo tồn di sản đã có nhiều năm nay. Chúng ta đã có nhiều dự án được triển khai, nhiều điểm chung để chia sẻ trong hợp tác Pháp Việt để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Có rất nhiều bảo tàng lớn của Việt Nam đã tham gia hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, ví dụ như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hau Đắc Lắc vv… và nhiều dự án hợp tác khác liên quan đến bảo tồn di sản tại Việt Nam...Và sự hợp tác này có thể góp phần vào việc bảo tồn các di sản kiến trúc hoặc hỗ trợ cho các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESSCO."
Dự án gồm ba hợp phần: Phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam ; bồi dưỡng nâng cao năng lực các cán bộ bảo tàng Việt Nam; và 3 dự án thí điểm được thực hiện tại Ninh Bình, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, nhiều khóa tập huấn và các chuyến thực địa đã tăng cường kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cán bộ bảo tàng Việt Nam với các đồng nghiệp Pháp. Cuối năm 2024, cuốn sách Bảo tàng học, cẩm nang không thể thiếu của các chuyên gia bảo tàng Pháp, sẽ được hoàn thành chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy ngành nghề về bảo tàng tại Việt Nam. Dự án cũng đã đóng góp vào việc tạo nên một mạng lưới các bảo tàng và làm giàu thêm các hoạt động hợp tác với Pháp, hỗ trợ một số bảo tàng Pháp, tạo thêm nhiều triển vọng hợp tác lâu dài.
Ba dự án thí điểm đã giúp cho các đối tác Việt Nam trau dồi thêm về phương pháp thực hành và ứng dụng trực tiếp vào chính dự án của mình: Ở phía Bắc, tại Ninh Bình, là cải tạo Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Ở miền Trung, tại Quảng Nam là hỗ trợ biên soạn nội dung trưng bày của Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường của Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm. Ở phía Nam, tại TP.Hồ Chí Minh là thiết kế và sản xuất công cụ truyền đạt nội dung bằng âm thanh mang tên Chiếc hộp kể chuyện.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, các bảo tàng ở Pháp có cách sử dụng, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ..., để bảo quản các hiện vật bằng vải, lụa rất tốt. Đây là một điều mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cần để học hỏi kinh nghiệm, vì Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện tại lưu giữ rất nhiều mẫu y phục, áo dài có lịch sử tới hàng chục, hàng trăm năm: "Chúng tôi được tham gia dự án trong hơn một năm, nên có những vấn đề mà bảo tàng tiếp thu được và tiếp thu ngay. Ví dụ như cách trưng bày của Việt Nam mình, khi đưa hiện vật luôn muốn tôn vinh hiện vật bằng cách để lên những tấm thảm, những tấm đệm mềm, tôn vinh màu sắc của hiện vật. Nhưng khi các thầy cô, các chuyên gia Pháp qua xem, bảo rằng để như vậy là không được, mà những hiện vật này phải được để trên những giấy chuyên dụng để tránh làm trầy bề mặt hiện vật. Đó là cách bảo tàng học được và chúng tôi cho sửa liền. Tức là cái gì sửa được là sửa liền. Thậm chí nhiệt độ phòng khi trưng bày vải áo dài chúng tôi cũng phải học cách đo nhiệt độ phòng với chất liệu vải, khác hoàn toàn với nhiệt độ của kim loại hay gỗ…. Các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chúng tôi học tập rất nhiều từ Dự án này, từ những điều rất nhỏ trong việc nâng niu, giữ gìn và tôn vinh hiện vật của mình."
Các đối tác hai bên đều mong muốns ẽ được triển khai nhiều chương trình hợp tác trong tương lai, hiệu quả như Dự án này đã mang lại. - Ảnh: Nguyễn Hồng |
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Giáo dục Môi trường của Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ về Trung tâm Du khách Vườn quốc gia Cúc Phương, khánh thành vào tháng 12/2023: Sau 2 năm nỗ lực, trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, đến nay Trung tâm du khách Cúc Phương đã hoàn thành và đã đưa vào vận hành phục vụ công chúng. Với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại kết hợp với các yếu tố văn hóa bản địa, thông tin lập địa; thông điệp nhân văn; nơi đây đã là địa chỉ lựa chọn hàng đầu của những công chúng yêu chuộng thiên nhiên, là điểm đến tin cậy của du khách có trách nhiệm môi trường.
Tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, có 77.500 lượt du khách đến tham quan, học tập, trải nghiệm và nghỉ lại tại Vườn quốc gia, trong đó có tới 80% lượng du khách đã tham quan và tìm hiểu tại Trung tâm du khách và đều đưa ra những nhận xét, đánh giá cao về thiết kế, trưng bày, cung cấp thông tin và truyền tải thông điệp."
Các đối tác Việt Nam bày tỏ sự hài lòng với kết quả và chất lượng của dự án, đồng thời mong muốn triển khai thêm nhiều chương trình hợp tác trong tương lai. Không chỉ đáp ứng mục tiêu phát huy giá trị chuyên môn của Pháp trong lĩnh vực bảo tàng ; dự án Chia sẻ và Gìn giữ Di sản Việt Nam còn tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa các cơ quan văn hóa, di sản Việt Nam cũng như với các đối tác Pháp, như Trung tâm Khoa học Công nghệ Universcience, Bảo tàng Lịch sử tự nhiêu Quốc gia Paris, hay bảo tàng Confluences và Viện Di sản Quốc gia Pháp; những nơi đã chuyển giao những kinh nghiệm chuyên môn quý báu từ Pháp thông qua các dự án thí điểm.