Mỹ Sơn- trầm mặc và uy nghi một di sản nhân loại

(VOV5)- Di tích Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm ở tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia). Di tích này được Uỷ ban Văn hoá Khoa học Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1999.

Mỹ Sơn- trầm mặc và uy nghi một di sản nhân loại - ảnh 1

Nhấn để nghe nội dung chi tiết:



Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 4. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các Thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Ông Kazik (Kazimiers - Kwiatkowski), một kiến trúc sư tài ba nhiều năm gắn bó với Mỹ sơn, nói rằng người Chămpa cổ trong suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII) đã gửi tâm linh vào đất đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ -  thâm nghiêm - hùng vĩ. Theo ông, Mỹ Sơn là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu mới hiểu hết.

Trong thung lũng có bán kính khoảng 2 km, các đền tháp, lăng mộ ở Mỹ Sơn hội tụ của các kiểu dáng khác nhau và mang ảnh hưởng của phong cách kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ. Ở đây có nhiều cụm tháp và bố cục mỗi cụm tháp đều có một tháp chính ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Tháp chính thường thờ Linga (sinh thực khí) hay linh tượng Shiva. Mặt trước mỗi cụm tháp là hạng mục công trình có chức năng là nơi sắp xếp lễ vật và thực hiện nghi thức hành lễ. Các tháp đều có hình chóp.Cổng tháp thường quay về phía đông để tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình của các vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. Trong các cụm tháp còn có các ngôi đền nhỏ đối xứng nhau bao quanh để thờ các vị thần phương hướng.

Ông Huỳnh Tấn Lập, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, cho biết: Tín ngưỡng thờ ở đây là Hindu giáo. Ngoài thờ 3 vị thần chính là tam vị nhất thể mà được biểu hiện bằng hình tượng hóa là Linga và Yoni. Linga và Yoni mang triết lý âm dương. Theo tiếng Phạn thì gọi là Linga và-Yoni còn nôm na đây là biểu tượng của người đàn ông và người đàn bà. Quan niệm trên vũ trụ này phải có âm và có dương, phải có sự kết hợp đó thì mới có loài người. Những biểu tượng đó được thờ trong ngôi đền chính.

Mỹ Sơn- trầm mặc và uy nghi một di sản nhân loại - ảnh 2
Họa tiết trang trí trên thân tháp Mỹ Sơn - Ảnh: internet

Hầu hết các đền tháp và các công trình phụ trong khu di tích Mỹ Sơn đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các tích trong thần thoại Ấn Độ giáo… Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp mỹ miều sinh động mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa. Ông Đạt Chử, người Chăm ở Ninh Thuận cho biết: Nói tới văn hóa Chăm nói tới sự phong phú, đa dạng, sâu sắc. Những gì bí ẩn trong gạch tháp, trong nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được các nhà khoa học từ từ lật giở từng trang, đó là điều mà tôi rất tâm đắc. Không chỉ riêng tôi mà những người Chăm ở Ninh Thuận cũng tự hào.


Tuy chỉ là những công trình xây dựng có kích thước vừa và nhỏ, nhưng kiến trúc của Mỹ Sơn đã chắt lọc được những tinh hoa, là sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chămpa xưa để tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Ông Ngô Thương, du khách người Trung Quốc, sau khi thăm hết các khu đền tháp ở Mỹ sơn, cho biết: Tôi đi Huế và Đà Nẵng, rồi vào Hội An và Mỹ Sơn, vì đây là di sản văn hóa thế giới còn lại rất ít. Tôi cũng đi thăm nhiều quốc gia rồi, và thấy ở đây vẫn giữ được vẻ đẹp lâu dài của di sản.


Theo thời gian, di tích Mỹ Sơn đã được ghi dấu như một kho tàng văn hóa rực rỡ của người Chămpa cổ, một bảo tàng kiến trúc sinh động, mang giá trị thẩm mỹ của nhân loại. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề nhưng những gì còn lại ở đây vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vốn di sản văn hóa thế giới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác